Nhà văn Ma Văn Kháng: Không có cuộc sống thì không có văn chương
Trong lớp nhà văn cao tuổi hiện nay, có một người tôi luôn chờ đợi đọc những sáng tác mới của ông. Đó là nhà văn Ma Văn Kháng. Mới đây, ở tuổi 87, ông vừa cầm trên tay tập truyện ngắn “Chim trời bay về sau cơn mưa”.
Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông là một nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới. Nhiều tác phẩm có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Những “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mưa mùa hạ”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”… hay những tập truyện ngắn của ông, đọc lại, vẫn thích vì không chỉ có chuyện mà còn có văn. Cái hơi văn trong sáng tác của Ma Văn Kháng có lẽ là cái khiến người ta thích thú, nó giống như một thỏi nam châm giữ người đọc ở lại với những trang sách, để đi vào khám phá những câu chuyện mà nhà văn dựng lên, chất chứa nhiều suy tư, suy nghiệm, thậm chí day dứt, buồn đau về kiếp nhân sinh…
Với tập sách mới "Chim trời bay về sau cơn mưa", gồm 10 truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng với hai đề tài quen thuộc, đã trở thành dấu ấn của tác giả: Miền núi Tây Bắc và những câu chuyện về sự biến chuyển của cảnh vật, con người trong cuộc sống hiện đại. Cuốn sách vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành và chuẩn bị tham gia Hội sách Hà Nội vào tháng 10 tới.
|
Ở đề tài miền núi Tây Bắc, những truyện ngắn "Dưới những bóng cau", "Bài ca Trăng sáng", "Hạng A Tráng", "Mùa gặt ở Na Lin", "Vợ chồng Mìn và những đứa con", "Bên bờ suối Vạch" cho thấy cảm hứng bất tận của nhà văn với vùng núi Tây Bắc. Đây là nơi linh giác của ông ngay lập tức được phát động từ lần đầu ông đặt chân đến với sự mê hoặc với thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đây.
Năm truyện ngắn này ghép thành một bức tranh nhiều màu sắc và tuyệt đẹp về giai đoạn cuối những năm kháng chiến chống Mỹ đến tận mới sau giải phóng của mảnh đất Lào Cai (mà tên gọi thân thuộc hơn và từng được sử dụng là Lao Cai). Chọn lựa giai đoạn 1970 - 1980 này, tập truyện như phần nào nhấn vào sự thay đổi, biến động của hoạt động cách mạng cũng như cách nhìn nhận về cuộc sống và thời cuộc của những dân tộc miền núi nơi đây.
Ở mảng đề tài thứ hai, nhà văn Ma Văn Kháng dẫn dắt người đọc vào hành trình ngược không gian và thời gian trong tâm trí những con người đã đi qua một thời xưa cũ. Nơi còn đó một giai đoạn kháng chiến anh hùng, bom đạn khốc liệt của đất nước, ở lại đó những người lính, người con anh dũng đã hy sinh, những nhân tài đất nước giờ chỉ thuộc về miền ký ức.
Tròng trành trong nỗi nhớ là sự cô đơn của những con người đã đi qua tháng năm như ông Nam trong "Thành phố miền biên", người luôn hoang hoải một nỗi nhớ về người bạn, liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết; Hay cũng là Nam, người bị bỏ lại sau chiến tranh, mình mang thương tật, bươn chải giữa chốn đô thị tấp nập, thiếu sự ấm áp của tình người trong "Những ngày xa xưa"...
Nhà văn Ma Văn Kháng say mình trong những câu từ khắc tả thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc, cũng như muốn dẫn dụ người đọc vào không gian văn hóa đa sắc màu nơi đây, với những lễ hội hoa ban, lồng tồng, hay những chi tiết nhỏ nhất, khơi lên sự tò mò về trang phục, lao động, huyết tộc và sự bình dị, hoang sơ tuyệt đẹp của con người miền núi. Sau đó, dòng văn của ông lại trầm lắng, u buồn và đượm đầy tiếc nuối khi khơi lên những chiêm nghiệm về cuộc đời trải nhiều thăng trầm, cách con người đối diện với mọi đổi thay, khi thì lạc quan, lúc lại buông xuôi mà uất ức.
Tựu chung vẫn là những niềm hy vọng vào tình người - thứ gắn kết vô hình nhưng lại bền chặt nhất của nhân loại, để con người ta sống tiếp, sống cho trọn đời người.
Nhà văn Ma Văn Kháng từng chia sẻ rằng, ông mang ơn những năm tháng sống và làm việc tại tỉnh miền núi Lào Cai. “Tôi mang ơn những công việc tôi đã làm. Cuộc sống là người thầy lớn. Sống rồi mới viết… Không có cuộc sống thì không có văn chương”, nhà văn chia sẻ.
Nhìn lại con đường văn chương của mình, nhà văn Ma Văn Kháng cho biết, thời sung sức của ông có thể nói là giai đoạn ông viết “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Côi cút giữa mảnh đời”, “Một mình một ngựa”,… “Những tác phẩm sau này tôi vẫn cố giữ được ngọn lửa nhiệt tình và cảm hứng nghệ thuật rất dồi dào của bản thân nhưng vẫn thấy được dần dần sức cảm nhận, bút lực đã tan loãng đi. Đó là hiện thực mà không nhà văn nào có thể chống lại được. Đó là quy luật tất yếu của tuổi tác”, nhà văn tâm sự.
Theo ông, viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng, ở trên sức người. Ông chỉ viết khi mình cảm thấy thích, cảm thấy muốn viết. Khi bắt đầu viết thì hào hứng, mê man và thăng hoa. Viết xong rã rời đến mức không thể nói chuyện được với ai. Có một điều đặc biệt là nhà văn Ma Văn Kháng không bao giờ viết vào ban đêm.