Nhân sự ngành Dược: Thiếu hụt và những giải pháp cải thiện
1/2 doanh nghiệp luôn thiếu nhân sự
Khi được hỏi về tình hình tuyển dụng, có gần ½ nhóm ứng viên quan sát và cho biết doanh nghiệp họ luôn trong tình trạng thiếu nhân sự. Một trong những lý lo lớn nhất chiếm đến 81% ý kiến của nhà tuyển dụng là do khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu. Các lý do khác là “khó khăn trong việc kiểm tra năng lực của ứng viên”, và “ứng viên có thể đồng thời làm việc tại nhiều công ty vào cùng một thời điểm”.
Các vị trí luôn có nhu cầu tuyển dụng lớn đều liên quan đến khối thương mại và thị trường. Theo đó, 51% nhà tuyển dụng cho biết họ luôn có nhu cầu tuyển dụng Trình dược viên; 30% cho biết nhu cầu tuyển dụng Quản lý kinh doanh khu vực. Các vị trí khác như Phát triển thị trường, Dược sỹ cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn, chiếm 23% ý kiến.
Về các tiêu chí tuyển dụng, top 3 các tố chất được ứng viên và nhà tuyển dụng nhất quán khi tuyển dụng lần lượt là: Đạo đức nghề nghiệp, Phù hợp về văn hóa doanh nghiệp, Nhóm kỹ năng giao tiếp (diễn giải, thuyết phục, phản biện, xử lý phản hồi,…)
Bên cạnh đó, nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng cũng đồng quan điểm khi cho biết, thâm niên kinh nghiệm và chuyên môn nghiên cứu không quan trọng để đánh giá tố chất của nhân sự ngành Dược. Theo đó, hai yếu tố “Số năm kinh nghiệm làm việc trong ngành” và “Kinh nghiệm trong mảng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm” đều nằm lần lượt ở các vị trí cuối bảng xếp hạng, theo ý kiến của nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.
Cách thức tuyển dụng của công ty dược nước ngoài nổi trội vì rõ ràng, công bằng, minh bạch. Theo quan điểm của nhóm ứng viên, có đến 4/5 yếu tố liên quan đến cách thức tuyển dụng tại công ty nước ngoài được số đông các ứng viên đánh giá nổi trội hơn trong việc thể hiện được sự minh bạch, công bằng, rõ ràng,…trong cách thức và quy trình phỏng vấn.
Cụ thể, các yếu tố được ứng viên đánh giá nổi trội hơn trong cách thức tuyển dụng của công ty nước ngoài lần lượt là: Quá trình tuyển dụng minh bạch và công bằng; Thảo luận về lộ trình thăng tiến; Quy trình tuyển dụng rõ ràng với các vòng nộp đơn, phỏng vấn; Sử dụng những phương thức kiểm tra đánh giá năng lực… Riêng yếu tố “Thông tin tuyển dụng rõ ràng và dễ tiếp cận” thì số đông ứng viên cho rằng cả công ty trong và ngoài nước đều đang thực hiện tốt.
Mức độ gắn bó và giữ chân nhân tài
Vượt qua lý do tài chính, việc được làm đúng ngành mới là lý do khiến nhân sự gắn bó và ổn định. Mặc dù các chế độ lương thưởng, phúc lợi của ngành Dược khá hấp dẫn trên thị trường nhưng đây không phải lý do lớn nhất để ứng viên đến với nghề, theo đó chỉ có 23% ứng viên chọn lý do này. Theo khảo sát, ý kiến “Muốn học hỏi để được làm việc trong ngành lâu dài” mới là lý do lớn nhất khiến ứng viên quyết định gắn bó với lĩnh vực này, chiếm 43% ý kiến nhóm ứng viên.
Nhân sự ngành Dược cũng thể hiện xu hướng gắn bó và ổn định hơn khi có đến ½ cho biết họ sẽ ở lại trên 3 năm, trong đó 24% chọn sẽ ở lại từ 3 – 5 năm; 28% chọn sẽ ở lại trên 5 năm.
Khi được hỏi về các giải pháp “phi tài chính” (các yếu tố không liên quan đến lương, thưởng, phúc lợi) hiệu quả ra sao trong việc giữ chân nhân tài, xuất hiện sự khác biệt trong quan điểm giữa nhóm nhà tuyển dụng và ứng viên. Theo đó, nhóm ứng viên hiện đang ưu tiên yếu tố “Linh hoạt thời gian và không gian làm việc” (61%) và “Các chương trình Người cố vấn, Người khai vấn trong nội bộ” (56%) ở vị trí thứ 2 và thứ 3.
Trong khi đó, các nhà tuyển dụng không chọn hai yếu tố này thuộc top 3 và tỷ lệ nhà tuyển dụng lựa chọn các yếu tố này cũng chỉ chiếm dưới 50%. Thay vào đó, có hai yếu tố xuất hiện trong top 3 ưu tiên của nhóm nhà tuyển dụng là “Ðẩy mạnh thương hiệu nhà tuyển dụng trên mạng xã hội, các trang thông tin” (chiếm 62%), và “Cơ sở vật chất trong văn phòng xanh – sạch – đẹp” (chiếm 57%). Hai yếu tố này chỉ có dưới ¼ nhóm ứng viên lựa chọn. Duy nhất chỉ có yếu tố “Các khóa đào tạo từ chuyên gia trong ngành” đều nằm trong top 3 của nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng lựa chọn.
Về văn hóa doanh nghiệp, khi nhà tuyển dụng được hỏi về ba giá trị cốt lõi đại diện cho văn hóa doanh nghiệp và nhóm ứng viên được hỏi về ba điều mà họ cảm thấy tự hào nhất khi làm việc tại công ty mình, quan điểm của nhà tuyển dụng và nhóm ứng viên đồng nhất với nhau về top 3 lẫn thứ tự xếp hạng các yếu tố.
Ðiều này thể hiện rằng, các giá trị cốt lõi trong văn hóa mà doanh nghiệp đang thể hiện cũng chính là những điều khiến người lao động trong ngành Dược cảm thấy tự hào. Ba yếu tố đó lần lượt là: Chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu; Gắn kết với nhân viên và quan tâm đến sự phát triển của nhân viên; Chiến lược phát triển cụ thể và luôn theo sát mục tiêu dài hạn.
Đa thế hệ và số hóa
Có đến 86% nhà tuyển dụng cho biết họ ưu tiên tuyển dụng thế hệ Y cho doanh nghiệp. Đây cũng là lý do vì sao chân dung thế hệ Y được doanh nghiệp khắc họa rõ nét nhất so với các thế hệ còn lại. Bên cạnh đó, thế hệ X - liền kề trước đó - cũng được nhà tuyển dụng mô tả kỹ lưỡng hơn so với các thế hệ Boomer (6X) hay thế hệ Z.
Tuy nhiên, duy trì đa thế hệ vẫn mang lại lợi ích cho chiến lược phát triển doanh nghiệp cũng như trong thực thi công việc. Khi được hỏi đâu là lợi ích lớn nhất khi có nhiều thế hệ đa dạng làm việc trong một công ty, phía nhà tuyển dụng cho biết điều này “giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu hơn về từng thế hệ để áp dụng trong dịch vụ khách hàng”.
Trong khi đó, phía ứng viên cho rằng, việc có nhiều thế hệ cùng làm việc sẽ mang đến cho họ lợi ích nhất trong cách thực thi công việc, nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Theo kết quả khảo sát, nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng đồng quan điểm về thách thức từ đa thế hệ đem lại. Đó là “khác biệt trong phong cách làm việc”. Để tháo gỡ thách thức từ sự khác biệt này, giải pháp được các nhà tuyển dụng áp dụng nhiều nhất là “Áp dụng mô hình tổ chức học tập để liên tục cập nhật và học hỏi từ tất cả các phòng ban và các nhân sự”.
Về chuyển đổi số, chỉ 17% ý kiến của ứng viên và 14% ý kiến của nhà tuyển dụng cho rằng công ty họ không áp dụng bất cứ chuyển đổi số nào. Số còn lại hầu như cho biết công ty đã có ứng dụng một phần hoặc toàn diện, bằng những công cụ khác nhau để hỗ trợ công việc hoặc cho mục đích nội bộ.
Đáng chú ý, nhóm ứng viên thể hiện sự lạc quan khi chia sẻ quan điểm chuyển đổi số không có tác động lớn với nhân sự ngành này. Theo đó, có hơn 1/2 ý kiến cho rằng người lao động tại các nhà máy sản xuất mới là nhóm chịu tác động nhiều nhất.
Theo ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc của Navigos Group Việt Nam, đây được xem là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp Dược/Thiết bị y tế tại Việt Nam phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược giữ chân nhân tài chưa đạt hiệu quả vẫn còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Dược để bứt phá.
Để có những chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả hơn, Navigos Group đề xuất các doanh nghiệp Dược một số giải pháp như: Cần áp dụng những giải pháp phi tài chính phù hợp với mong đợi của người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ tầm vi mô đến vĩ mô; xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng trên nền tảng văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp; đẩy mạnh văn hóa học tập để chuẩn bị cho môi trường đa thế hệ; tối ưu hóa và đa dạng kênh tuyển dụng; sử dụng các công cụ đánh giá trí tuệ và cảm xúc.