Nhiều điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo
Làm rõ phản ánh về lỗ hổng trong giao nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo | |
Đầu tư năng lượng tái tạo: Nhiều kỳ vọng nhưng cũng chưa hoàn toàn yên tâm |
Để hoàn tất thủ tục xây dựng nhà máy điện vẫn cần nhiều thời gian |
Xu thế phát triển năng lượng tái tạo
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, nhu cầu sử dụng năng lượng điện của Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Trong gần mười năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kWh vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kWh vào năm 2019. Sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình hàng năm là 5,6%, từ 245 tỷ kWh năm 2020 lên 950 tỷ kWh vào năm 2045.
Mặc dù tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện dự báo giảm nhưng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu; nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới.
Phát triển NLTT đang trở thành xu thế và làm thay đổi khá nhanh cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách để phát triển năng lượng sạch và NLTT với tầm nhìn dài hạn. Điều này đã và đang làm thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng thân thiện và bền vững.
Để đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa có hiệu quả các nguồn NLTT trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược NLTT). Trong đó nêu rõ mục tiêu “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 43% vào năm 2050”.
Tiếp đó, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.
Theo ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT - Bộ Công thương, để đạt được các mục tiêu này, bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.
Những rào cản hạn chế
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), NLTT thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tư nhân, tuy nhiên điều đáng nói là hệ thống truyền tải điện quốc gia chưa đủ khả năng tiếp nhận. Thời gian qua, ở một số địa phương có tiềm năng, các nhà đầu tư phát triển rất mạnh các dự án NLTT, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Vì vậy, dẫn đến hiện tượng tại một số khu vực, lưới điện truyền tải và phân phối không theo kịp sự phát triển của các dự án nguồn điện.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hải Hưng - Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ (IRAT) cho rằng, phát triển điện mặt trời thì phải quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải. Nhà nước không nên độc quyền xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải, mà nên huy động nguồn lực xã hội nhất là các doanh nghiệp tư nhân.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam cho biết, muốn triển khai được một dự án điện mặt trời phải mất từ 3-5 năm. Một thời gian quá lâu!
Theo ông Nguyễn Văn Vy, hiện nay việc thiếu các chính sách và quy định hỗ trợ phát triển NLTT đang cản trở sự phát triển nguồn năng lượng này. Ông Nguyễn Văn Vy dẫn chứng một trong những bất cập đến từ cơ chế áp dụng biểu giá hỗ trợ (giá FIT). Theo đó, tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ giá FIT chỉ áp dụng với các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021. Như vậy, từ đầu năm 2021, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành.
Giá FIT cho các dự án NLTT được áp dụng chung, không phân biệt quy mô sẽ dẫn đến bất cập, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn các dự án có quy mô nhỏ hơn nếu có các điều kiện tự nhiên tương tự. Ông Nguyễn Văn Vy đề nghị giá FIT thay đổi theo quy mô công suất áp dụng đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Đối với các dự án có quy mô lớn, thực hiện theo cơ chế giá bán điện được xác định trên cơ sở đàm phán Hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và đơn vị mua điện, tương tự như tại các dự án điện (thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí,..) đã và đang thực hiện.
“Các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, giúp vượt qua các rào cản và đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án. Tuy nhiên, các cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT chưa đưa ra được định hướng lâu dài”, ông Nguyễn Văn Vy cho hay.