Nhiều động lực Bancassurance tiếp tục tăng trưởng
Năm 2020 đánh dấu sự bùng nổ của bancassurance với các thương vụ hợp tác lớn có giá trị nghìn tỷ đồng giữa ngân hàng với DN bảo hiểm. Đơn cử, thương vụ bancassurance hợp tác giữa ACB và Sunlife Việt Nam. ACB sẽ phân phối độc quyền các sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam trong vòng 15 năm, từ ngày 1/1/2021. Lãnh đạo ACB cho biết khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD khoảng 8.500 tỷ đồng sẽ được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, cùng với các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác. Theo tính toán của giới phân tích với mức phí trả trước ngân hàng nhận được từ công ty bảo hiểm lên tới 101 USD/khách hàng là mức cao kỷ lục trong các thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền tại Việt Nam từ trước đến nay.
Trước đó, thương vụ giữa Techcombank và Manulife mức phí này khoảng 41,4 USD/khách hàng. Hay như hợp tác TPBank và Sun Life mức phí thấp hơn khoảng 30,9 USD/khách hàng. Ngay cả với thương vụ triệu đô Vietcombank với FWD mức phí chỉ vào khoảng 26,8 USD/khách hàng. Hay như cú bắt tay giữa VietinBank và Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam) thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng. Với thỏa thuận bancassurance này, Manulife sẽ được phân phối bảo hiểm thông qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc của VietinBank.
Ảnh minh họa |
Việc các NHTM không ngừng mở rộng hợp tác với các hãng bảo hiểm qua kênh bancassurance trong thời gian qua được giới chuyên môn nhận định là một xu hướng tất yếu. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nếu xét theo nguyên tắc quy mô tệp khách hàng càng lớn, lợi nhuận càng cao thì việc giá trị phí bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm chi trả cho ngân hàng cao cũng là điều hợp lý.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến tín dụng tăng trưởng không như kỳ vọng ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân hàng, cần có một kênh doanh thu đủ bù đắp phần nào thiếu hụt đó và bancassurance đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của ngân hàng. Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, doanh thu phí từ bảo hiểm đang đem lại nguồn thu tốt cho ngân hàng. Trong khi chi phí ngân hàng phải bỏ ra chỉ khoảng 1/3 khoản lãi mà ngân hàng thu về. Do đó, trong năm 2020 các ngân hàng đều đẩy mạnh mảng thị trường này. Thậm chí, có ngân hàng đặt mục tiêu doanh thu bancassurance năm 2021 từ các sản phẩm phi nhân thọ tăng 3-4 lần so với năm trước. Mục tiêu trên không phải không có cơ sở.
Theo ông Larry Madge - Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng liên tục, đạt mức 30% mỗi năm trong 5 năm qua. Năm 2020, dù ảnh hưởng Covid-19, tốc độ tăng trưởng của ngành bị giảm sút nhưng ước tính vẫn có thể tăng trưởng 16%. Ông Larry Madge cho rằng, với mức chỉ chiếm 1,4% GDP tại Việt Nam trong khi tại các quốc gia khác trung bình là 3-4% GDP, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cùng với phát triển kinh tế xã hội nhất là từ khi dịch bệnh Covid bùng phát và sự đa dạng các sản phẩm bảo hiểm với những khoản phúc lợi tốt đã khuyến khích người tham gia bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn trong thời gian qua và cả tới đây. Và đây cũng là cơ hội để các ngân hàng tận dụng khai thác gia tăng nguồn thu. Không chỉ thu được phí từ bảo hiểm, các ngân hàng còn có thể khai thác thêm nhiều dịch vụ khác từ tệp khách hàng của bảo hiểm. Theo dự báo của giới chuyên môn, hoạt động bancassurance tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Vì vẫn còn nhiều ngân hàng chưa hợp tác độc quyền với các hãng bảo hiểm lớn. Do đó nhiều NĐT đang trông chờ thêm những thương vụ hợp tác với giá trị lớn hơn trong thời gian tới.
Trong cuộc gặp gỡ các NĐT mới đây, Tổng giám đốc MaritimeBank Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ, ngân hàng này đang vẫn chưa chốt được đối tác bảo hiểm. Nhưng vị CEO này cũng tiết lộ kỳ vọng tiêu chí chọn đối tác của ngân hàng ở trong Top 3 về bảo hiểm ở Việt Nam. “Đó phải là đối tác có kinh nghiệm về bancassurance và phù hợp thị trường Việt Nam. Mức phí mà công ty bảo hiểm chia sẻ với ngân hàng phải cạnh tranh với thị trường và có mức phí upfront (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) hợp lý, phù hợp chiến lược của ngân hàng bởi đó là “cuộc hôn nhân 15 năm”, ông Linh cho biết và thông tin thêm, hiện doanh thu phí bảo hiểm hàng tháng tại MaritimeBank là 50 tỷ đồng.
Trong cuộc đua cạnh tranh sắp tới, theo TS. Hiếu, các ngân hàng lớn sẽ có lợi thế lớn. Bởi các hãng bảo hiểm thường mong muốn hợp tác với ngân hàng lớn với quy mô khách hàng lớn. Đặc biệt đối với ngân hàng có mạng lưới rộng có lợi thế lớn cho các hãng bảo hiểm, Vì người dân Việt Nam vẫn sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng tại các chi nhánh, phòng giao dịch tương đối nhiều.