Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển đầu tư về Việt Nam
TS. Phạm Đình Thúy |
Tổng cục Thống kê đánh giá thế nào về hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020?
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới và khiến dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm mạnh. Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp quốc (UNCTAD) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, đại dịch làm dòng vốn FDI toàn cầu giảm ít nhất 30% trong giai đoạn 2020-2021 xuống thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.
Tại Việt Nam, do tác động của Covid - 19, hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, nhiều cuộc xúc tiến đầu tư và diễn đàn đã bị hoãn lại; các chuyến bay quốc tế chưa được mở, thiết bị máy móc và việc chuyển vốn cũng bị gián đoạn… Những yếu tố đó khiến vốn FDI vào Việt Nam bị giảm sút so với năm 2019.
Tuy nhiên kết quả cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam trong năm qua vẫn tốt hơn rất nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt của giới đầu tư quốc tế, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư đang thực hiện đầu tư tại Việt Nam (thể hiện ở vốn đăng ký điều chỉnh năm 2020 tăng 10,6% so với 2019). Đáng chú ý, trong năm 2020 nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã dịch chuyển dòng đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam.
Vậy đâu là những minh chứng cho thấy xu thế dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?
Chúng ta đã nhìn thấy rõ Việt Nam là điểm đến trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2020. Điển hình như Foxconn và nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống như: Nhật Bản, Hàn quốc, EU... đã có những dự án mới có quy mô lớn đã vào Việt Nam và triển khai rất nhanh ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang... Trong số đó chủ yếu là các dự án đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực điện tử.
Đơn cử như Công ty TNHH LUXSHARE-ICT hoạt động trong lĩnh vực điện tử đầu tư dự án mới có quy mô lớn vào Bắc Giang hồi tháng 3/2020. Chỉ mới mấy tháng đi vào hoạt động trong năm 2020, DN này đã sản xuất được khoảng trên 15 triệu tai nghe có kết nối với micro, tạo ra trên 33 nghìn tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu). Dự án này đã tạo việc làm cho 30.000 lao động (dự kiến năm 2021 tăng lên 50.000 lao động) và là nhân tố chủ yếu làm cho chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ở Bắc Giang năm 2020 tăng khoảng 20% so với năm 2019. Đây là một tốc độ tăng ấn tượng trong năm đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Hay như ở Quảng Ninh cũng có 6 DN FDI mới đầu tư và đi vào hoạt động trong năm 2020, chủ yếu vào lĩnh vực điện tử, đã thu hút 6.500 lao động, tạo ra khoảng 3.500 tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu) đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 20% của Quảng Ninh trong năm 2020.
Theo đánh giá của các chuyên gia về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI hiện tại, các quốc gia Đông Nam Á được xem là điểm đến mới hấp dẫn. Vậy ông đánh giá thế nào về lợi thế của Việt Nam cũng như dòng vốn FDI trong năm mới?
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và tái cơ cấu đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đã diễn ra từ nhiều năm nay và trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Trong bối cảnh xu hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang hướng tới những nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… để tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư.
Trong xu thế đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn vì Việt Nam đang có ưu thế nổi trội nhờ các yếu tố.
Thứ nhất là tình hình chính trị - kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm. Thứ hai, Việt Nam đã có chiến lược thu hút FDI mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Thứ ba, Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Với các hiệp định thương mại mới mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam. Theo đó không chỉ các doanh nghiệp nội địa mà nhiều doanh nghiệp FDI, đặt nhà máy tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những hiệp định này.
Thứ tư, nguồn lao động dồi dào, trẻ, năng động, có kiến thức.
Thứ năm, Việt Nam là thị trường tiềm năng và rộng lớn với dân số tiệm cận 100 triệu người.
Thứ sáu, Việt Nam đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh môi trường đầu tư.
Thứ bảy, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm của khu vực châu Á, kết nối giữa Trung Quốc với các nước ASEAN; thời gian bay đến các trung tâm kinh tế lớn và năng động như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước ASEAN rất ngắn.
Cuối cùng, với việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong hiện tại và trong tương lai.
Đó chính là lý do trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia bị tụt hạng về hệ số tín nhiệm quốc gia (do tổ chức xếp hạng Fitch Ratings tiến hành (Fitch) thì ngược lại Việt Nam không những được đánh giá là giữ được sự ổn định với mức BB mà còn được đánh giá có chuyển biến tốt, chuyển từ triển vọng tích cực sang ổn định.
Với những yếu tố đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Xin trân trọng cảm ơn ông
Tính đến 20/12/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam (cả vốn cấp mới, vốn góp mua cổ phần và vốn điều chỉnh) đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ giảm 2%, trong khi FDI toàn cầu dự báo sụt giảm 30%. |