Nhộn nhịp khởi nghiệp sáng tạo
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp Việt Nam | |
Thúc đẩy khởi nghiệp: Cơ sở để kiến tạo những cánh chim đầu đàn | |
Thời cơ “vàng” cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Khuyến khích đầu tư công nghệ tài chính - giáo dục
Theo ông Đoàn Kim Thành - Giám đốc trung tâm phát triển khoa học công nghệ TP.HCM, trong năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung mạnh cho các hoạt động đầu tư hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, ngay trong quý III tới đây, Sở Kế hoạch Đầu tư và Công ty cổ phần Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sẽ được giao triển khai xây mới trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự án này sẽ được đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương với mục tiêu hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo do TP.HCM đầu tư và quản lý.
Bên cạnh trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong quý IV/2022 ngân sách TP.HCM cũng sẽ đầu tư thành lập và đưa vào hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo. Đồng thời trong năm nay, các sở, ngành liên quan cũng được giao thực hiện gần 10 dự án lớn hỗ trợ lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: dự án hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất, dự án xây dựng các mô hình khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế, dự án phát triển hệ thống thông tin khoa học-nghiên cứu, dự án xây dựng sàn giao dịch công nghệ…
TP.HCM chú trọng đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Đặc biệt, ngân sách TP.HCM và ngân sách Trung ương (từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ) sẽ ưu tiên giải ngân cho các dự án nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó tập trung hỗ trợ các startup trong nhóm lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh tại TP.HCM như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (Edtech), nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh…
Theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ TP.HCM (SIHUB), chính quyền thành phố quyết định đầu tư mạnh cho lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời điểm này là hết sức cần thiết và thuận lợi. Bởi trong vòng 5 năm qua làn sóng khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM đã phát triển rất mạnh. Hàng trăm dự án khởi nghiệp đã được tạo điều kiện để hình thành và thu hút vốn. Hàng chục chương trình, cuộc thi khởi nghiệp đã được tạo dựng để tìm kiếm các startup công nghệ triển vọng. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng vài chục dự án lớn phát triển thương mại sản phẩm. Còn nhiều ý tưởng, dự án có tính đột phá cao song gặp vướng mắc về pháp lý, gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, tạo ra doanh thu và tiếp cận nhà đầu tư để gọi vốn.
Khởi nghiệp cần gì thì hỗ trợ nấy
Theo báo cáo của SIHUB, trong năm qua hoạt động thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của các startup Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc. Riêng tại TP.HCM các dự án khởi nghiệp lĩnh vực thanh toán, bán lẻ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tự động hóa doanh nghiệp đều tăng trưởng rất mạnh với tổng mức thu hút vốn đầu tư mạo hiểm đạt khoảng 1,1 tỷ USD, chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm của cả nước.
Ông Lê Yên Thanh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần BusMap (một trong những dự án khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực ứng dụng tìm kiếm xe bus và phương tiện công cộng) cho biết, từ sự hậu thuẫn “ươm tạo” ban đầu của TP.HCM, 3 năm qua công ty này đã nhận được khoản đầu tư hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Khởi động tại TP.HCM chỉ với khoảng 50.000 lượt tải ứng dụng, hiện tại BusMap đã mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng và hai thành phố của Thái Lan là Bangkok và Chiangmai với 2 triệu người dùng.
Đồng tình về tốc độ thu hút vốn khá mạnh của các startup Việt trong thời gian gần đây, tuy nhiên bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị BambuUP cho rằng, đến hiện tại hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn cần phải được tiếp tục hỗ trợ mạnh cả về pháp lý cũng như các điều kiện hút vốn và mở rộng thị trường.
Theo bà Hằng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đã xuất hiện khá đầy đủ 5 thành phần chính, bao gồm: Service (tức các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho startup từ lúc hình thành đến phát triển); Network (tức các hoạt động, cuộc thi, tìm kiếm, kết nối startup với thị trường, nhà đầu tư); Talent (tức là nhân tài, nhân lực phục vụ phát triển các dự án khởi nghiệp); Capital (tức là nguồn nhà đầu tư, các quỹ đầu tư quốc tế, các “nhà đầu tư thiên thần”…) và Support (tức là hỗ trợ của Nhà nước, địa phương). Tuy nhiên, các thành phần trên chưa phát triển cùng nhịp.
Khảo sát các startup của BambuUP cho thấy, có tới 64,4% các startup gặp khó trong các khâu tiếp cận khách hàng và tạo ra doanh thu; trong khi số startup gặp khó về tiếp cận nhà đầu tư để gọi vốn và phát triển đổi mới sản phẩm lần lượt là 48,3% và 41,4%. Chính vì vậy, theo bà Hằng, các hỗ trợ hướng đến cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo cần tập trung nhiều cho hoạt động kết nối khách hàng, kết nối nhà đầu tư bên cạnh các chính sách ưu đãi về hạ tầng, thuế, phí và hoàn thiện pháp lý.
Từ góc độ quản lý, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, thời gian qua do nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa tập trung mạnh. Bắt đầu từ năm nay, với những mục tiêu cụ thể từ Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án hỗ trợ lớn sẽ chính thức khởi động. Bên cạnh những hỗ trợ về hạ tầng, về đào tạo, kết nối, nhiều dự án xây dựng các mô hình khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế cũng sẽ được hỗ trợ, đi theo kinh nghiệm thành công của các startup nổi bật như Tiki, VNLife, Sky Mavis, MoMo… “Phương châm là cộng đồng khởi nghiệp thiếu gì thì sẽ có hành động hỗ trợ”, ông Tước nhấn mạnh.