Thời cơ “vàng” cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo | |
Đổi mới sáng tạo: Để chính sách “ngấm” vào doanh nghiệp | |
Đổi mới sáng tạo: Lấy công nghệ và chất lượng quản lý làm then chốt |
Tăng trưởng bất chấp đại dịch
Báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam” được xây dựng và phát hành bởi BambuUP, nhận định: Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ sở hạ tầng về thanh toán, logistics của Việt Nam đã có rất nhiều bước ngoặt tích cực, hiện có hơn 40 công ty trong lĩnh vực thanh toán, nhiều công ty đã đạt được con số ấn tượng trên 30 triệu người dùng. Đây là bước “bản lề” giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tận dụng cơ sở hạ tầng về thanh toán và logistics để phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã nhanh chóng trở lại sau một năm đầy sóng gió. Theo bà Vy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới nhờ vào ba yếu tố chính: Startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa; startup Việt Nam đã có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao và cuối cùng là doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã có những công ty đủ trưởng thành để trở thành nhà đầu tư cho thế hệ nhà sáng lập đi sau.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt |
Báo cáo cũng đã xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện, đa chiều trong các lĩnh vực kinh tế nổi bật: tiêu dùng, bán lẻ, giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe… Trong lĩnh vực công nghệ tài chính, báo cáo đưa ra nhận định, dịch Covid-19 như một cơn bão hoàn hảo làm thay đổi kỳ vọng và hành vi của người tiêu dùng toàn cầu, cũng như thúc đẩy sự đổi mới không ngừng trong cách mọi người tương tác với các dịch vụ tài chính. Các giải pháp từ Fintech có thể giúp người dân và doanh nghiệp duy trì, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngay cả khi lệnh phong tỏa được ban hành, hỗ trợ các doanh nghiệp mở cửa trở lại trong “trạng thái bình thường mới”.
Chuyên gia nhận định, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc của tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp và công ty công nghệ tài chính theo đuổi kỹ thuật số hàng đầu. Giao dịch bằng thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng hơn 400% trước năm 2025 và 25% ngân hàng tại Việt Nam sẽ “tích cực theo đuổi hiện đại hóa các nền tảng lõi kỹ thuật số”.
Cần lấp khoảng trống về nguồn vốn
Kết quả một cuộc khảo sát với các startup cho thấy, vốn tự có là nguồn vốn chủ yếu của các công ty khởi nghiệp tham gia khảo sát với 87,4% doanh nghiệp kinh doanh trên nguồn vốn này. Tiếp sau đó, nguồn vốn của doanh nghiệp lần lượt chủ yếu đến từ nhà đầu tư "thiên thần" và vay vốn ngân hàng. Nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ và cộng đồng hiện tại đang chưa tiếp cận một cách hiệu quả, khi chỉ có 5,7% số công ty tham gia khảo sát nhận được nguồn vốn từ các đơn vị này.
Có thể nhận thấy, việc tiếp cận nguồn vốn và nhà đầu tư vẫn đang là vấn đề trăn trở với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, có tới 43,2% startup Việt cho rằng mình đang khó tiếp cận được với các nguồn vốn để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp và thực hiện công tác đổi mới sáng tạo.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy cũng chỉ ra một số khoảng trống về vốn cho startup tại Việt Nam đó là: Thứ nhất là khoảng trống về các vườn ươm, số lượng còn rất ít so với số lượng startup đang ra đời mỗi ngày. Vì vậy, cần có nhiều hơn những đơn vị hỗ trợ startup trong giai đoạn sớm để họ có đủ năng lực bước vào giai đoạn gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Thứ hai, khoảng trống là ở vòng Series B khi giá trị gọi vốn của startup lên đến 15-20 triệu USD. Theo quan sát, số lượng quỹ nội địa có khả năng tham gia vào vòng này còn rất hạn chế, vì vậy các startup sẽ không thể gọi vốn ở thị trường Việt Nam mà phải tìm đến các quỹ nước ngoài. Khi cơ hội gọi vốn bị giới hạn, công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tạo được những tăng trưởng đột phá. Chính vì vậy, hệ sinh thái startup Việt Nam rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với góc nhìn của một nhà đầu tư thiên thần, bà Lê Mỹ Nga - chuyên gia Cố vấn chiến lược cho biết, có ba nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư giai đoạn thiên thần và cũng rất quan trọng trong tiến trình phát triển một dự án khởi nghiệp. Thứ nhất, là tạo ra một sản phẩm, mô hình kinh doanh không giải quyết được “nỗi đau” chung của thị trường, không mang tính khác biệt lớn, khó thay thế giải pháp hiện hữu, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu thị trường ngay tức thì và khó tăng quy mô. Từ đó, doanh nghiệp rất khó gọi vốn để tăng trưởng như kỳ vọng. Do đó dự án sẽ rơi vào tình trạng không đủ tài chính để tiếp tục phát triển, buộc phải dừng lại. Thứ hai, không ứng dụng công nghệ mới hoặc có ứng dụng công nghệ nhưng chưa đủ để tạo sản phẩm đột phá, đủ khả năng đăng ký sáng chế mang tầm quốc gia và quốc tế; chưa sở hữu sản phẩm hoặc mô hình có thể kiểm soát được thị trường mới, để đối thủ cạnh tranh khó có thể bắt chước trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và phát triển liên tục nhằm giúp sản phẩm, mô hình kinh doanh luôn kiểm soát được thị trường và phát triển bền vững trong tương lai không được chú trọng hoặc không được đề cao. Cuối cùng là đội ngũ các nhà sáng lập dự án không đủ mạnh, không đủ năng lực lãnh đạo để có thể dẫn dắt công ty tinh gọn có thể phát triển nhanh trên thị trường.
Để tránh những sai lầm cơ bản nêu trên, theo bà Nga, các sáng lập viên nên tham gia các chương trình ươm tạo và tăng tốc chuyên nghiệp để được hướng dẫn bởi các cố vấn khởi nghiệp chính thống, tham gia các chương trình tranh tài khởi nghiệp chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, kết nối với các chiến lược gia về công nghệ, thị trường, vận hành… kết nối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể tiến đến các vòng gọi vốn mạo hiểm, đủ tiềm lực tài chính và nhân lực, đủ khả năng tung sản phẩm và phát triển thị trường trong thời gian ngắn.