Những chuyện kỳ lạ bên tháp Bà
Cuộc huyết chiến trên ngọn đồi vàng
Tháp Bà (thờ mẹ Xứ sở của người Chăm, còn gọi là Nữ thần Thiên Y A Na), cao hơn 22m; được xây trên đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái, nằm cạnh xóm Bóng, có tuổi đời đã hơn 1.000 năm. Đây được coi là kiến trúc mỹ thuật Chăm hoàn chỉnh nhất còn được giữ lại cho đến ngày nay. Nhưng mấy ai biết được xưa ngọn đồi Cù Lao còn được mệnh danh là Đồi Vàng, với vô số ngọc ngà, vàng bạc và châu báu được các triều vua cung tiến cho nữ thần Poh Nagar.
Tác giả dưới chân Tháp Bà |
Có thể kể ra vô số những vật báu như mũ miện vàng, vòng hạt châu ngọc, đĩa vàng, đĩa bạc, gươm báu, ngai vàng… Do vậy, khu đền tháp Bà từng được coi là một kho báu khổng lồ. Tương truyền, người ta còn cho đào một con đường bí mật, từ trên đồi thông xuống biển để chôn giấu vàng bạc, tránh cướp bóc xảy ra.
Vậy mà đâu có thoát, những cuộc huyết chiến đã xảy ra, tàn sát nhau trên ngọn đồi vàng này. Chính một số bia đá cũng kể lại những sự kiện đổ máu này vào năm 950. Đó là bọn cướp Kambujas hết sức tàn bạo từ biển khơi phương Nam đổ bộ lên đồi. Cuộc chiến không cân sức nên những chiến binh của đồi vàng chết sạch. Bọn cướp vơ vét hết châu báu, ngọc ngà, và cả bức tượng thờ Nữ thần bằng vàng ròng. Sau đó chúng phóng hỏa đốt đền rồi bỏ đi.
Nghe tin cấp báo, vua Chăm Sri Satyavarman đã thân chinh chỉ huy các chiến thuyền đuổi theo bọn cướp. Một cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra trên biển. Hầu hết những thuyền của bọn cướp bị tiêu diệt, nhưng của cải đã bị bọn chúng ném hết xuống biển, số còn lại tháo chạy.
Nhưng phải mãi đến 15 năm sau, vua Chăm Jaya Indravarman I kế vị (năm 965) mới cho dựng phục hồi đền thờ Poh Nagar, một cách chỉn chu hơn. Tượng nữ thần được dựng bằng đá xanh. Toàn bộ cụm tháp thờ nữ thần với những kiến trúc và xây dựng độc đáo của người Chăm từ đó; tuy bị đổ nát theo thời gian và chiến tranh tàn phá, vẫn còn một phần (4 đền tháp) phía trên, khu trụ gạch (10 trụ), phía dưới, được lưu giữ bảo tồn cho đến ngày nay.
Lại nghe nói, con đường hầm bí mật ngày nào người ta đào thông ra biển vẫn còn đâu đó, nhưng chưa được khám phá. Kho vàng vẫn còn được chôn dưới biển, phía trước mặt đền thờ Poh Nagar. Trên vịnh biển Nha Trang, nằm ngay trên xóm Bóng, cách chân tháp không xa là những hòn đá lớn và có khắc những chữ Chăm cổ, những ký hiệu khó hiểu và có bố cục kỳ lạ, nên người ta ngờ đó là những mã hóa về bản đồ kho báu Chăm xưa.
Chính vì thế, hòn đá lớn khắc chữ Chăm cổ bí ẩn, được người dân nơi đây đặt tên là Hòn Chữ. Đứng trên cầu Xóm Bóng là ai cũng có thể nhìn thấy hai cụm đá nằm gần nhau trông như hòn non bộ khổng lồ khá kỳ thú giữa biển trời.
Không ít người đã bị gãy tay chân, khi lặn xuống biển mò vào chân Hòn Chữ, tìm kho vàng…Quả đó là những câu chuyện có thật hết sức kỳ lạ về kho báu còn nằm sâu dưới đáy biển. Và ngay trên đồi Cù Lao, bên cạnh cụm tượng tháp Bà còn có một tảng đá tự mọc cao lên theo thời gian.
Nó giống tựa hình cái lưỡi, như một cái cây thời gian, nhú lên nhỏ xíu rồi lớn dần cho đến nay cao bằng đầu người. Chiếc lưỡi đá ấy như muốn kể lại điều gì thiêng liêng còn ẩn giấu dưới chân đồi chăng? Đây cũng là một hiện tượng kỳ lạ nhất của tháp Bà.
Quần thể Tháp Bà |
Những khối tình câm
Đó là sự tích của những hòn đá chung quanh chân đồi Cù Lao. Cũng như Hòn Chữ, hay trụ đá hình cái Lưỡi, bãi đá Hòn Chồng - Hòn Vợ chính là dấu vết cuối cùng của dãy núi Trường Sơn cắt ngang ra biển, mà đồi Tháp Bà nhô lên cao như một khúc đuôi.
Có thể thiên nhiên hàng triệu năm, những tảng đá này hình thành do sóng gió biển khơi mải miết ngày đêm vỗ vào chân núi. Người ta không thể hình dung vì sao hình thù những tảng đá ở đây lại kỳ vĩ và lạ lùng đến như vậy. Đá tự kể chuyện mình bằng những bài ca thời gian, bằng những con nước vỗ dạt dào, về những cuộc tình cháy bỏng ngàn đời đã xảy ra.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng đến đây, và đã viết lên những câu thơ lãng mạn: “Mộc mạc đá Hòn Chồng lõa thể. Đành để cho Hòn Vợ thẹn thò…”. Nếu như đồi tháp Bà lưu giữ màu sắc văn hóa Chăm ngàn năm, với lễ hội tưng bừng và ca múa vào tháng ba âm lịch hàng năm; Thì câu chuyện về Hòn Vợ - Hòn Chồng là một cuộc tình tuyệt vọng, với dấu bàn tay khổng lồ còn sót lại trên tảng đá lớn ngàn năm.
Hòn Vợ cách Hòn Chồng chừng gần hai trăm mét và lùi gần vách đá chân đồi La San nhô lên mép biển. Hòn Vợ là những tảng đá nhỏ hơn chồng lên với dáng cô gái ngóng ra biển khơi chờ đợi chồng trở về sau chuyến ra khơi. Cho dù đó là những tảng đá nhưng lại thấm đẫm chất dịu dàng của người con gái, u buồn trước mọi ồn ào của sóng biển dội về. Một sự ám ảnh khôn nguôi đã làm bao tao nhân mặc khách xao xuyến với những vần thơ say đắm về tình yêu.
Những bóng hồng và lời ca Chăm
Những vũ nữ biểu diễn phía sau tháp Bà đều là những người Chăm ở Xóm Bóng, nơi từ xưa tụ họp những người chuyên hát bóng (dạng hát giá đồng ở phía Bắc). Họ phục vụ lễ hội Chăm vào cuối xuân mỗi năm. Đó là ngày lễ vía bà nữ thần Poh Ganar. Những nghệ sĩ của xóm Bóng đã đi vào ca dao hàng trăm năm của đất Khánh Hòa lộng gió: “Ai về xóm Bóng quê nhà. Hỏi thăm điệu múa dân Bà còn không?” Tôi như bị cuốn hút vào điệu kèn Siranai cùng lời ca điệu múa.
Người ca sĩ ngồi lặng lẽ phía sau vừa đánh trống vừa hát. Lời ca Chăm tôi được nghe đội trưởng dịch lại đại ý rằng: “Chừng nào Hòn Chữ bể tư. Cửa Nha Trang kia có cạn, anh mới từ nghĩa em”. Rồi sau đó người con gái lại hát đối: “Trên có ông xanh cao rộng. Dưới biển lặn có sông trong. Em mà ăn ở hai lòng. Trời chu đất diệt không mong thấy chàng”. Nghe cuốn hút làm sao.
Tôi bị mê hoặc trong cơn mộng du trước hàng trăm người tấp nập trước mặt. Cứ thế tôi ngồi xuống chiếc chiếu rải dưới đất, nhắm mắt chắp tay hướng về tháp Bà, lắng nghe từng lời ca náo nức vỗ về. Tiếng kèn réo rắt như níu buộc hồn tôi mộng mị với dáng điệu uyển chuyển của các vũ nữ Apsara như đang bay lên trời…