Đoàn công tác NHNN Việt Nam thăm Khu di tích Tân Trào và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam và Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN dâng hương bày tỏ lòng thành kính Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lán Nà Nưa |
Cùng tham gia đoàn công tác có đồng chí Đào Minh Tú, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam; Các đồng chí Phó Thống đốc: Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng, Phạm Thanh Hà; Lãnh đạo Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương; Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; Lãnh đạo các NHTM Nhà nước, NHCSXH, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam...
Về phía tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Lán Nà Nưa, đình Tân Trào và Khu tưởng niệm các vị Tiền bối cách mạng. Đoàn công tác NHNN đã đến thăm và dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP. Tuyên Quang).
Trước Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị Tiền bối cách mạng, các bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng nguyện sẽ vững mãi niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các vị Tiền bối cách mạng đã chọn; không ngừng nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022; xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các đồng chí Lãnh đạo NHNN Việt Nam trồng cây tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào |
Hành trình tiếp theo của Đoàn công tác NHNN Việt Nam là đến thăm quan và dâng hoa tại Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Theo lịch sử ghi lại, từ tháng 04/1952 đến tháng 10/1954, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đóng trụ sở tại Làng Cảy, xã Minh Khai (nay là thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Nơi đây, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam lần đầu tiên tổ chức phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính, củng cố và ổn định hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của nước ta, phát triển tín dụng Ngân hàng, phục vụ đắc lực sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn xây dựng, nâng cấp, tu bổ từ năm 2001 đến nay. Năm 2021 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng, công trình đã được cải tạo mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện với quy mô của một Khu di tích lịch sử Ngành.
Nhân dịp này, Đoàn công tác NHNN Việt Nam đã trồng cây tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng.
Ban Lãnh đạo NHNN và Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị, các NHTM dâng hoa tại Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng |
Cùng ngày, Đoàn công tác NHNN Việt Nam đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã báo cáo khái quát kết quả phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh năm 2021, mục tiêu, giải pháp năm 2022. Theo đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ năm 2021, trọng tâm là tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa tập trung thực hiện quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang |
Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của NHNN về tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và bám sát định hướng phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến 31/12/2021, huy động vốn tại địa phương đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ; tổng dư nợ đạt trên 22.230 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2020.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm đánh giá cao tính hiệu quả trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam thời gian qua, góp phần tích cực vào kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề quan trọng cho kinh tế đất nước phát triển.
Đối với tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị NHNN Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tỉnh thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng của dịch Covid-19; quy định cho vay đối với hộ thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất vùng khó khăn; huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao 20 tỷ đồng của ngành Ngân hàng hỗ trợ đề án xây nhà ở cho người nghèo tỉnh Tuyên Quang |
Điểm qua một số kết quả điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, công tác điều hành CSTT chủ động, linh hoạt của NHNN đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp; tập trung nguồn vốn hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; giữ ổn định và thông suốt thị trường tiền tệ; cắt giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay; tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục giữ vững ổn định ngay cả khi thị trường quốc tế biến động mạnh.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp triển khai nhằm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch, nhất là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất - kinh doanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội, nhất là đối với quê hương cách mạng Tuyên Quang. Trong thời gian tới, Ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng trên địa bàn, bảo đảm nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; triển khai gói hỗ trợ lãi suất tín dụng chính sách, chương trình phục hồi phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ Tuyên Quang thực hiện hiệu quả chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn…
Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam cho biết, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm tới xóa đói, giảm nghèo và đã làm rất tốt công tác này, đồng thời triển khai khá hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân hơn nữa, tỉnh Tuyên Quang cần chuyển dịch nhanh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, dư địa tăng trưởng tín dụng trên địa bàn còn rất lớn nên nếu có các dự án đầu tư hiệu quả, chắc chắn các ngân hàng sẵn sàng thu xếp vốn cho vay.
Là hai ngân hàng có độ "phủ sóng" rộng trên địa bàn, tại buổi làm việc, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đều khẳng định tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho vay với doanh nghiệp, người dân của tỉnh Tuyên Quang.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã trao 20 tỷ đồng của ngành Ngân hàng hỗ trợ đề án xây nhà ở cho người nghèo tỉnh Tuyên Quang.