Những dấu son nhạc kịch
Là loại hình sân khấu, nhạc kịch biểu đạt một câu chuyện bằng âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa, do đó, đòi hỏi nhiều thứ cùng đạt chuẩn mới có thể trình diễn. Âm nhạc, bối cảnh sân khấu, ngôn ngữ hình thể cùng hợp lại thành một khối thống nhất; đưa những cảm xúc, sự việc của câu chuyện truyền tải đến người xem một cách nhẹ nhàng và truyền cảm nhất, không căng thẳng và có tính giải trí cao là đích đến của các vở nhạc kịch.
Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam |
Nếu không có dịch Covid-19, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã đưa vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Pháp Victor Hugo lưu diễn tại Hà Nội, Đắk Lăk, TP. Hồ Chí Minh đáp ứng nhu cầu được thưởng thức kiệt tác nghệ thuật của thế giới. Tuy nhiên dịch bệnh bùng phát, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã phải gác lại chuyến lưu diễn này, song mọi người đang rất chờ đợi khi dịch bệnh đi qua sẽ được thưởng thức vở nhạc kịch này.
Dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch Covid-19, tác phẩm “Những người khốn khổ” phiên bản Việt để đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới. Tác phẩm có sự tham gia của hơn 120 nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam và quốc tế, do NSƯT Trần Ly Ly tổng đạo diễn, nghệ sĩ Nguyễn Triều Dương đạo diễn, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chỉ huy dàn nhạc, nghệ sĩ Linh An biên đạo múa.
“Những người khốn khổ” là câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội. Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hoá đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người.
Với sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, sự sáng tạo của ê-kíp sản xuất trẻ thể hiện một cách độc đáo, mới lạ, đặc biệt từng bước đưa nghệ thuật trình diễn nhạc kịch lên sân khấu Việt. Ở lần biểu diễn này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam có sự đổi mới, đặc biệt đã áp dụng hình ảnh kỹ thuật số (LED) vào tác phẩm để kích thích thị giác, nhằm từng bước đáp ứng xu thế áp dụng công nghệ vào nghệ thuật, giúp khán giả dễ hình dung ra bối cảnh câu chuyện, đẩy cảm xúc lên tầm cao trào mới.
Ngược dòng thời gian, tháng 4/2021 tại Hà Nội, Viện Pháp tại Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Xưởng kịch - nghệ thuật ATH biểu diễn tác phẩm nhạc kịch và nghệ thuật thị giác “Chuyện người lính” của nhà soạn nhạc người Pháp gốc Nga vĩ đại Igor Stravinsky. “Chuyện người lính” đã được biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, lần này ở Việt Nam là một phiên bản đầy tính cách tân với sự dung hợp tinh tế của nhiều phương thức biểu đạt khác nhau như âm nhạc thính phòng, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác với sự tham gia của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji, giám đốc nghệ thuật - đạo diễn Marcelino Martin Valiente.
Đáng chú ý, trong nhạc kịch “Chuyện người lính”, các nghệ sĩ của sân khấu kịch ATH không trình diễn thông qua ngôn ngữ cơ thể mà bằng giọng nói. Thêm vào đó, những minh họa đầy huyền ảo của Nguyễn Mỹ Anh sẽ dẫn dắt người xem trong suốt buổi diễn. Có thể nói, “Chuyện người lính” trên sân khấu Việt lần này, câu chuyện của người lính cũng là chuyện của ác quỷ, cái ác trở nên vô hạn độ, vợi xa, bất định, không thể nắm bắt, không ngừng truy vấn lại sự vô thường của kiếp nhân sinh. Vở diễn “liêu trai” quy tụ tài năng của 3 lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác từ 3 quốc gia Việt Nam, Nhật Bản và Pháp hứa hẹn một vở diễn độc đáo, mới lạ cùng những khoảnh khắc đáng nhớ.
Trước hai vở nhạc kịch trên, khán giả đã được thưởng thức nhiều tác phẩm đặc sắc. Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.Hồ Chí Minh gây “sốt” với vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của thiên tài Mozart. Ở phiên bản Việt, “Cây sáo thần” được hát bằng tiếng Đức cùng với phần thoại bằng tiếng Việt, nội dung câu chuyện xoay quanh những mặt đối lập và thống nhất giữa cái thiện và cái ác, giữa ngày và đêm, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đam mê và ý chí, sự hoang dại quyến rũ của đam mê.
Vở diễn lộng lẫy cố gắng hoàn thiện từ phục trang được nghiên cứu kỹ lưỡng, động tác hình thể đến cả nhân tướng học của từng nhân vật phụ 3 thị nữ, 3 thiên thần xinh đẹp. Có hơi hướng cổ tích nhưng Cây sáo thần ẩn chứa những thông điệp nhân bản, sâu sắc, không dành riêng cho dân tộc, cá nhân hay xã hội nào. Chính vì thế, nhạc kịch Cây sáo thần lần này trở lại vẫn có sức hút và đem lại cảm giác xốn xang, đợi chờ đối với khán giả.
Đó còn là nhạc kịch “Trại hoa vàng” (biên kịch Hoàng Trang, đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết) do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Thông điệp vở nhạc kịch truyền tải tới các bạn trẻ đó là cần có ước mơ, khát vọng và đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp của mình. Đồng thời, nhạc kịch cũng gửi gắm tới các bậc phụ huynh hãy luôn quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu với những mong muốn chính đáng của con trẻ, để từ đó ủng hộ, đồng hành cùng các con chinh phục ước mơ. Bên cạnh đó, tác phẩm văn học nổi tiếng “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài cũng đã được chuyển thể thành vở nhạc kịch cùng tên, kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam và cả nhạc cổ điển. Nhờ tính sáng tạo và đầu tư công phu, nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” nhận về nhiều hiệu ứng tích cực, khán giả yêu mến.
Theo giới chuyên môn, dựng một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường. Bên cạnh đó, đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhưng bằng sự nỗ lực và dấn thân của nhiều nghệ sĩ, không ít vở nhạc kịch đã chạm tới cảm xúc khán giả. Đây là một chỉ dấu cho thấy nghệ thuật hàn lâm như nhạc kịch dù kén người xem, dù bị bủa vây bởi nhiều loại hình giải trí thời đại mới vẫn có thể tìm được chỗ đứng khi chúng ta dám làm, dám đầu tư và nỗ lực sáng tạo.