Những linh vật thuần Việt
Càng những ngày cận Tết Nguyên đán, người Việt có tập quán tu bổ, làm mới, làm đẹp nơi ở. Và cũng từ đây, ý niệm về những linh vật linh thiêng trở nên cần suy ngẫm để không bị nhầm tưởng và ảnh hưởng ngoại lai.
Nhà điêu khắc Liên Vũ (giữa) trong buổi ra mắt chế tác nghê cổ |
Để giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, trước thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn 6226 khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt.
Ngay khi công văn được thực thi, đã có nhiều nghệ nhân, các nhà điêu khắc, các họa sĩ… bắt tay vào chế tác những mẫu tượng linh vật mang hình hài và hồn thiêng Việt.
Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ (Liên Vũ) - một trong những nghệ sĩ chế tác hình tượng “nghê Việt” được Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biểu dương vì sự sáng tạo tâm huyết với việc bảo tồn, phục dựng và quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc.
Bức tượng mẫu nghê cao hơn 1m do nhà điêu khắc Liên Vũ chế tác đã xong khâu nặn trên đất sét, chuẩn bị chuyển thành thạch cao. Tượng này được làm theo nghê gỗ to nhất hiện nay ở một ngôi đền của vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XVII) tại Thanh Hóa. Anh Vũ dự định từ mẫu nghê đó sẽ làm tượng với kích cỡ 1,1m nặng 1-2 tạ bằng chất liệu đồng, đá và đá nhân tạo.
“Là một nhà điêu khắc nên tôi muốn lưu giữ và phổ cập, nhân rộng những linh vật Việt để người Việt ta thêm yêu và hiểu về hình tượng nghê Việt Nam chứ không phải các linh vật ngoại lai. Bởi vì linh vật trong truyền thống dân gian Việt có rất nhiều nhưng điển hình nhất vẫn là chim hạc và nghê. Chim Hạc có từ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang còn nghê thì xuất hiện có thể từ đời Lý khi nền văn hóa thuần Việt được phục hồi”, anh Vũ bày tỏ tâm tư.
Tới thăm xưởng điêu khắc của nhà điêu khắc Liên Vũ với mẫu nghê mới nhất của anh vừa chế tác, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chia sẻ: Tượng mẫu nghê này rất đẹp, chúng tôi đánh giá cao sự sáng tạo, tâm huyết của nghệ sĩ với sản phẩm này. Nó đã giúp bảo tồn, phục dựng và quảng bá nét đẹp của các linh vật truyền thống Việt Nam.
Tiến sĩ phong thủy Lê Xuân Phương (Viện Nghiên cứu phát triển doanh nhân, doanh nghiệp Đông Nam Á), người đã có trên 30 năm nghiên cứu về văn hóa phong thủy cũng chia sẻ những hiểu biết của mình về con nghê trong đời sống dân tộc Việt: nghê là một trong bốn con vật thiêng, dân gian gọi là Tứ Linh.
Trong đó, ly là con nghê, tức là con chó thành tinh, có sừng, có nanh, có vuốt, bờm lửa, ngực rết. Nghê là linh vật có hình dáng hội tụ những đường nét, họa tiết đặc biệt để những con khác phải kiêng nể. Như người xưa xuống biển tìm trâu, lên rừng lấy sừng tê, nanh hổ, ngà voi… họ đều phải xăm trổ những hình đặc biệt lên người, thì nghê cũng được gắn những họa tiết độc đáo.
Bởi vạn vật đều phải có trí tuệ, có sừng, có mỏ, có nanh vuốt và nọc độc, nếu không phải đẻ nhiều để chiếm chỗ không sinh tồn. nghê hội tụ đủ các yếu tố của một linh vật. Nhưng nghê là con chó thành tinh, vì thế, vị thế của nghê có vai trò trông nom gìn giữ những nơi linh thiêng, chó chỉ trông nhà, nhưng cao cấp hơn là nghê vì được “giao” trông giữ hồn thiêng ở các đình đài miếu mạo, chùa chiền, cổng đô thị, cổng làng.
Có lẽ, mỗi người dân Việt đều mang trong mình niềm tự hào dân tộc mấy nghìn năm dựng nước, bởi vậy, trong hành trình đi tìm một vật thiêng cho hồn sông núi, thì những giá trị Việt cổ một lần nữa lại được lên ngôi và biểu tượng nghê Việt đang là sự khởi đầu cho một hành trình tìm lại những giá trị đích thực xưa cũ ấy.