Những ngày tháng không thể nào quên
Trung tướng Phan Thu quê ở xã Sài Sơn - huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Năm 1950, ông nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Lục quân khóa VI về Pháo binh ở Trung Quốc. Từ năm 1954 - 1967, ông làm trợ lý radar phòng huấn luyện Sư đoàn phòng không 367. Năm 1967, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Khoa học Quân sự rồi làm Đội trưởng Đội trinh sát Nhiễu kiêm Phó phòng Quân báo. Ngày 25/8/1970, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Khi đó, ông đang là Phó phòng Quân báo kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trinh sát nhiễu…
Trung tướng Phan Thu là tác giả cuốn sách “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể”. Trong đó ông đưa ra nhiều số liệu, kể lại nhiều câu chuyện, đồng thời có những phân tích, lý giải về nguyên nhân tại sao chúng ta lại đánh bại những cuộc tấn công bằng B-52 của Mỹ.
Bìa cuốn “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể” |
Trong chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ rất coi trọng và đề cao cuộc chiến tranh điện tử, trong đó, trinh sát điện tử và gây nhiễu là biện pháp kỹ thuật, chiến thuật hàng đầu của địch. Để có được những chiến thắng vang dội trên bầu trời miền Bắc, không thể không kể đến sự đóng góp của đơn vị trinh sát nhiễu, trong đó có Trung tướng Phan Thu và đồng đội của ông. Đúng vào thời kỳ đế quốc Mỹ đưa máy bay B-52 (pháo đài bay) đánh phá miền Bắc Việt Nam với hệ thống gây nhiễu của chúng, tất cả các loại radar cảnh giới, cao xạ, tên lửa của ta đều bị nhiễu nặng, rất khó phát hiện máy bay địch.
Trước yêu cầu của cuộc chiến đấu, "Đội Trinh sát nhiễu" được thành lập. Trung tướng Phan Thu cho rằng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã có 2 quyết định quan trọng để Tổ quốc không bị bất ngờ, lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, đó là: 1) Điều trung đoàn tên lửa 238 (đoàn Hạ Long) đang bảo vệ Hà Nội vào Vĩnh Linh nghiên cứu triển khai đánh B-52. Và 2): Thành lập Đội trinh sát nhiễu, điều vào Vĩnh Linh, sau đó lên Cà Ròn km54 đường 20 thuộc địa phận phía tây Quảng Bình để nghiên cứu nhiễu B-52 và chống nhiễu B-52 khi B-52 vào đánh đường vận chuyển chiến lược 559.
Trung tướng Phan Thu nhớ lại, theo quyết định chính thức số 508/TM/QL thì đội trinh sát nhiễu được quyết định thành lập ngày 2/5/1967, nhưng trong nhiều năm qua, đội trinh sát nhiễu vẫn lấy ngày thành lập là ngày 10/1/1967. Đội trinh sát nhiễu được thành lập trên cơ sở những trang thiết bị trinh sát điện tử mà Liên Xô đưa sang để tìm hiểu nhiễu của Mỹ một thời gian, sau đó giao lại cho ta sử dụng.
Năm 1967, khi đang là trợ lý Phòng Huấn luyện Bộ Tham mưu, Phan Thu được điều sang làm đội trưởng đội trinh sát nhiễu. Ban đầu, Đội có 34 người, được điều từ nhiều đơn vị của Quân chủng về. Nhiệm vụ của đội trinh sát nhiễu là tìm hiểu, nghiên cứu nhiễu của Mỹ và chống nhiễu. Trang thiết bị của đội trinh sát nhiễu là các máy thu trinh sát điện tử, thuộc các dải tần số sóng mét, sóng dm, cm; các máy phân tích phổ tần số; máy ghi âm; máy quay phim, máy chụp ảnh...
Bước vào chiến dịch tập kích đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ, máy bay MIG-21 của không quân Việt Nam với các phi công bay đêm chỉ bay vòng ngoài, còn vòng trong dành cho tên lửa SAM-2. Họ đã góp phần phân tán đội hình địch, làm giảm nhiễu để tên lửa đánh. Sau những ngày đầu của chiến dịch, phi công Phạm Tuân vẫn áy náy trong lòng với món nợ không quân Việt Nam chưa bắn rơi B-52. Ngày 27/12/1972, trong chiến dịch chống cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ ra Hà Nội, Hải Phòng, phi công Phạm Tuân là người đầu tiên đã trả được món nợ đó. Tiếp theo, ngày 28/12/1972, cùng với phi công Phạm Tuân, phi công Vũ Xuân Thiều cũng đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ 2, đem lại niềm tự hào cho không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong dư luận, đã có những câu hỏi được đặt ra như: Tại sao Việt Nam đánh thắng được B-52?; Tại sao B-52 bị bắn hạ ở Việt Nam trong khi trên toàn thế giới, chưa một nước nào làm được việc đó? Trung tướng Phan Thu lý giải: “Để đánh thắng B-52, ta đã dốc sức và tích cực chuẩn bị trên các mặt trận, từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch và cấp chiến thuật. Mọi người trong Quân chủng đều đóng góp phần của mình, từ người lãnh đạo chỉ huy, đến người chiến binh ngồi trên mâm pháo, bên giàn tên lửa, trên máy bay chiến đấu, trong trạm xưởng, trong phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật...”.
Chúng ta đã giành thắng lợi bằng chính thực lực của mình, bằng sức mạnh của mình mà không hề có sự may rủi nào! Mỹ đã phải chịu thua, đúng như Bác Hồ đã tiên đoán: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Nguyên nhân thắng lợi đã được nhiều tài liệu nói rõ, tuy nhiên không phải cứ biết là có thể vận dụng được. Chiến thắng B-52 đã xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở nơi nào khác dưới bàn tay, trí óc của con người Việt Nam, một dân tộc, dám đánh và biết đánh để giành lấy và giữ gìn nền độc lập của dân tộc mà tổ tiên và cha ông đã để lại. Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam.
Trung tướng Phan Thu nhấn mạnh: Cuộc chiến ở miền Bắc về cơ bản đã khép lại sau chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng rất to lớn này đã vang tới hội nghị Paris và khắp năm châu, đồng thời góp phần cho việc ký kết hiệp định Paris.
Ông cho rằng, bài học chiến tranh ở Việt Nam là bài học đau đớn của Mỹ và cũng là bài học cho bất cứ kẻ nào có âm mưu xâm lược Việt Nam, xâm lược bờ cõi, đất liền, trên không và trên biển đảo của Tổ quốc ta. Một dân tộc đã có hàng nghìn năm lịch sử, dựng nước và giữ nước. Bao nhiêu xương máu và mồ hôi nước mắt của cha ông nhiều thế hệ đã đổ ra để có và giữ được mảnh đất này. Một dân tộc như vậy, vạn người như một, triệu người như một, sẽ không có kẻ xâm lược nào có thể khuất phục được.