Những người kể chuyện chiến trường bằng tranh
Nhiều tên tuổi nổi tiếng của làng mỹ thuật
Có một thế hệ những họa sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút vẽ và đã để lại tên tuổi như Lê Lam, Lê Đức Biết, Hoàng Đình Tài, Lê Trí Dũng, Đức Dụ, Phạm Ngọc Liệt, Trần Việt Sơn, Võ Xưởng… Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, điều kiện không cho phép, các họa sĩ không thể sử dụng chất liệu bột màu với phông, toan cỡ lớn, mà chủ yếu là bút sắt, màu nước vẽ trên giấy khổ nhỏ. Nhiều họa sĩ cho rằng, thể loại ký họa không những chiếm nhiều ưu thế trong hình thức ghi nhận và thể hiện, mà còn đáp ứng hữu hiệu nhất những yêu cầu trong sự thiếu thốn về họa cụ, điều kiện di chuyển, bảo quản và cất giữ trong chiến tranh.
Họa sĩ Đức Dụ |
Một trong những họa sĩ “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”, gặt hái được nhiều thành công là Lê Lam. Ông tham gia Cách mạng từ năm 1945, làm Đội trưởng đội Thiếu niên Tiền phong hoạt động trong An toàn khu của Trung ương Đảng ở Đông Anh (Hà Nội). Năm 1950 ông lên học trường Mỹ thuật Kháng chiến ở Việt Bắc. Năm 1953, ông về công tác tại Báo Ảnh Việt Nam và năm 1954 chuyển sang làm họa sĩ của Báo Quân đội Nhân dân. Cuối năm 1965, Lê Lam lên đường đi B và được phân công về Phòng Mỹ thuật Giải phóng miền Nam Việt Nam - trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
Họa sĩ Lê Lam kể lại, lúc đó ông chỉ có một mục tiêu là phải đi vào miền Nam. Không sợ khó khăn, sau 6 tháng trời vượt Trường Sơn, chịu đói, chịu sốt rét, đi đến đâu ông vẽ đến đó, chủ yếu là ký họa. Trong những năm ở các chiến trường ác liệt, Lê Lam có một bộ tác phẩm dày dặn, với gần 1.000 bức ký họa, tiêu biểu như: “Đồng khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Hết lòng vì tiền tuyến”, “Em bé Linh Phụng”, “Chị Quyên”...
Tác phẩm khắc gỗ “Hết lòng vì tiền tuyến” của ông sáng tác năm 1967 ca ngợi tinh thần của nhân dân Bến Tre hết lòng ủng hộ tiền tuyến, đã được nhà nước Cuba chọn in lưới thành khổ lớn để tuyên truyền trên thế giới về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời ca ngợi tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Một người khá đặc biệt là họa sĩ Đức Dụ, quê gốc ở Hải Dương, hiện sống và vẽ ở làng Ngọc Hà, Ba Đình (Hà Nội). Năm 1965 Đức Dụ lên đường nhập ngũ, trở thành người lính của Trung đoàn 5 Công Binh, mở đường Trường Sơn ở miền Tây Thừa Thiên. Tận thấy những khó khăn gian khổ của mình và đồng đội, ông đã vẽ những tác phẩm đầu tiên về người chiến sĩ công binh, đào đường bí mật ở Trường Sơn, với chất liệu thuốc mực. Thấy Đức Dụ hăng say nhiệm vụ mở đường, lại chịu khó vẽ về những sự kiện quan sát được ở tuyến đường, Cục Chính trị (Bộ tư lệnh Đoàn 559) khi đó tạo điều kiện để ông được chuyên đi vẽ về đồng bào và các sự kiện trong cuộc kháng chiến để phục vụ tuyên truyền.
Ký họa Thanh niên xung phong trong giờ nghỉ của tác giả Lê Lam |
Lúc đó ông vẽ hoàn toàn bản năng, bằng tinh thần của một người lính và tình yêu nước chứ không được đào tạo qua trường lớp. Ông đã khắc họa được không khí sôi động của dân và quân ta bằng màu sắc, cùng các họa sĩ, nghệ sĩ khác góp phần làm tăng khí thế đánh giặc. Năm 1968, Đức Dụ được điều động chuyên đi vẽ ở các binh trạm và khu vận tải, các tuyến đường. Từ đó bước chân ông đi trên nhiều nẻo đường Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn và cố gắng vẽ bằng tất cả tâm hồn mình.
Sống để kể những câu chuyện
Nhân kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa xuân năm 1975, dự kiến có nhiều triển lãm nhằm gợi nhớ về thời hào hùng của dân tộc. Song do dịch bệnh nên nhiều triển lãm phải hoãn. Chỉ có một triển lãm trực tuyến đề tài chiến tranh, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu chùm tác phẩm đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ. Những năm trước, các triển lãm tranh ký họa chiến trường đã được tổ chức liên tục. Riêng họa sĩ Đức Dụ đã có 21 lần triển lãm tranh ký họa. Nhiều người hỏi ông, tại sao lại chỉ triển lãm tranh về đề tài này.
Ký họa Cô giao liên, tác giả Võ Xưởng, chất liệu Bút sắt, màu nước sáng tác năm 1972 |
Ông bảo: “21 lần triển lãm cá nhân vẫn là chưa đủ. Chúng tôi là người kể chuyện chiến trường bằng tranh ký họa thì tôi coi nhiệm vụ đó vẫn chưa hết. Chúng ta còn hơn một triệu người từng chiến đấu, làm nhiệm vụ, phục vụ ở các cung đường này còn sống và tôi còn phải kể tiếp để tri ân những người có công, vì hòa bình của dân tộc mà không tiếc bản thân mình. Mỗi lần tôi triển lãm, đồng đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội lái xe đến rất đông. Đây là kho tư liệu quý mà tôi muốn người trẻ hôm nay phải biết đến cung đường này nhiều hơn, chắt chiu những bài học quý báu của cha ông để sống và làm những việc có ích”.
Cũng là họa sĩ vẽ về đề tài chiến tranh, nhưng họa sĩ Lê Đức Biết lại đi riêng một dòng. Ông tập trung vẽ về đời sống chiến đấu, sản xuất của quân dân miền Bắc giai đoạn 1966-1973. Nhiều tác phẩm ký họa, trực họa một thời chiến tranh ở hai tọa độ lửa Ninh Bình, Hàm Rồng… của Lê Đức Biết được vẽ theo cảm hứng sáng tạo của một người trong cuộc trẻ trung, chân thành và tươi nguyên trong cảm xúc đã tiếp sức cho nét bút sống động.
Ông đã “chộp được,” khai thác vẻ đẹp vốn có của con người và cảnh vật trên các chiến hào. Cái tình, cái đẹp đã tạo nên nét duyên, sức hấp dẫn trong các sáng tác. Có những bức họa đã ra đời từ cách đây 40 năm nhưng cho đến nay, vẫn vẹn nguyên giá trị. Ở đó, người xem thấy được thời khắc “Sau giờ trực chiến,” niềm “Hạnh phúc người lính” trong câu “Chuyện tình ngày ấy”…
Họa sĩ Trần Huy Oánh, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Mỗi một bức ký họa là một tác phẩm, không nhất thiết phải thấy bom đạn, mà còn có tinh thần của những người tiếp lửa, sự bình yên, những sắc thái lạc quan, nuôi dưỡng cho cuộc chiến thành công. Họa sĩ Lê Đức Biết đã ghi ghép những khoảnh khắc rung động không khí sôi nổi thời bấy giờ. Ra đời từ cách đây nửa thế kỷ, đến nay những bức ký họa của họa sĩ Lê Đức Biết vẫn vẹn nguyên giá trị.
Có những tháng ngày không thể nào quên. Ký ức của những ngày gian khổ, hướng về ngày chiến thắng và Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một thời oanh liệt của những người lính, chiến sĩ, nghệ sĩ ở chiến trường. Câu chuyện của họ, sự hy sinh của họ sẽ để lại cho muôn sau tinh thần của những người chiến thắng, những người khao khát độc lập tự do và yêu nước.