Những “Tâm tình gửi lại” của một nhà lãnh đạo
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận, cuốn sách "Vũ Khoan: Tâm tình gửi lại" không chỉ là những bài viết về ngoại giao mà còn là những suy ngẫm về cuộc sống, về con người. Ông Vũ Khoan đã để lại cho chúng ta những tâm tình trong suốt cuộc đời mình. Cuốn sách gồm hai phần chính và đúng như tên gọi, đây là “tâm tình” của ông “gửi lại” cho lớp kế cận của ngành ngoại giao cũng như với thế hệ trẻ của đất nước.
Phần thứ nhất - “Ngoại giao Việt Nam và Thế giới” - phản ánh những suy nghĩ của ông về quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước thông qua một số tác phẩm báo chí, bài viết. Những nội dung này cũng thể hiện tình cảm gắn bó của ông với ngành ngoại giao và công tác đối ngoại. Đây còn là những lời nhắn gửi chân tình của một người đi trước gửi tới những lớp tiếp nối trong công tác đối ngoại và xây dựng ngành ngoại giao tiên tiến, hiện đại.
Với tiêu đề “Khát vọng Việt Nam: cơ hội và thách thức trong cục diện thế giới mới”, phần thứ hai đề cập tới nhiều vấn đề nổi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, ngành đối ngoại nói riêng. Thông qua đó, ông trao cho người đọc, cho các thế hệ tương lai những tâm tư, những nguyện vọng, những thông điệp của mình về tương lai.
Ông Vũ Khoan am hiểu sâu sắc không chỉ lĩnh vực ngoại giao, mà còn các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng Đảng… Các bài viết của ông Vũ Khoan hàm chứa dung lượng trí tuệ, văn phong dí dỏm, sắc bén, phù hợp với chủ đề mà ông đề cập.
Sinh thời, Phó Thủ tướng Vũ Khoan được nhiều chuyên gia đánh giá là một nhà lãnh đạo, trí thức rất tâm huyết với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Nhận xét về ông có thể gói gọn trong bốn chữ: "có tâm và tầm".
Ông cũng là người hay viết bài cộng tác với báo chí. Những “tâm tình gửi lại” mới in thành cuốn sách dày gần 500 trang khổ lớn vừa ra mắt, được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó phần lớn là từ những bài viết đã đăng trên báo.
Trong bài viết “Cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh” (đã in trên báo Quân đội nhân dân tháng 7/2011), tác giả Vũ Khoan viết: “Đối với mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là nghĩa vụ thiêng liêng; không bảo vệ được chúng thì khỏi nói đến chuyện phát triển. Ngược lại, không nỗ lực tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất để phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia thì cũng không lấy đâu ra “thực lực” và không thể tạo dựng được “vị thế” cần thiết để bảo vệ đất nước. Do đó bất luận thế nào, về phần mình, chúng ta cần chủ động “ứng vạn biến” để bảo vệ trọn vẹn cả hai vế. Đương nhiên, làm được như vậy không dễ vì có những nhân tố không tùy thuộc vào bản thân chúng ta. Nhưng càng khó chúng ta càng cần huy động nguồn trí tuệ và sự khôn khéo vốn có của trường phái ngoại giao Việt Nam mà Bác Hồ là một biểu tượng sáng ngời”.
Khi còn sống, ông Vũ Khoan là người quan tâm đến thế hệ trẻ. Ông từng gửi gắm: Mong các bạn trẻ chú trọng rèn đức, luyện tài qua những việc làm cụ thể, bình dị hàng ngày theo phương châm mấy cặp chữ “T”: đầu óc phải “thông thái”; nghề nghiệp phải “tinh thông”; làm người phải “tử tế”; ý chí phải “tiến thủ”, khát vọng phải “thiết thực”!
Trong bài “Tuổi trẻ luyện tài cao, rèn đức trọng”, ông Vũ Khoan cho rằng giới trẻ cần chuẩn bị kỹ hành trang cho mình. Trong đó có hai thứ cơ bản là kiến thức và bản lĩnh. “Bể kiến thức thật mênh mông lại biến động không ngừng. Chỉ có thể thu lượm kiến thức qua sự học tập miệt mài, bằng nhiều hình thức: học thầy, học bạn, học ở cuộc đời, học qua sách vở, học qua các phương tiện thông tin hiện đại… Người xưa từng nói “biết mình, biết người, biết thời thế trăm trận trăm thắng”. Luận ra có thể hiểu, đi ra thế giới mỗi người chúng ta phải trang bị cho mình kiến thức càng sâu, càng rộng, càng hay về ngành nghề của mình, về đất nước mình, đồng thời lại phải biết thế gian, hiểu rõ đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ… của các nước, nắm bắt quy luật, dự báo xu hướng, phân rõ lành dữ để tiếp thu cái hay, tránh được điều dở. Muốn vậy thì một công cụ thể thiếu là ngoại ngữ; không biết ngoại ngữ thành thạo thì chẳng khác nào người mù dò dẫm trên con đường xa gập ghềnh.
Còn về bản lĩnh, ông nhấn mạnh: “Bản lĩnh còn thể hiện trong niềm tự hào dân tộc, lòng tự trọng của mỗi người. Xương máu của lớp lớp cha anh đã bồi đắp nên mối cảm tình và lòng quý trọng của bạn bè thế giới đối với nhân dân ta; lương tâm và danh dự không cho phép chúng ta có bất kỳ lời ăn, tiếng nói và hành vi ứng xử nào có thể làm hoen ố hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong lòng bạn bè năm châu. Hội nhập với thế giới, coi thường chữ “tín” là điều tối kỵ. Làm sao có thể hội nhập nếu hồn nhiên vi phạm cam kết? Làm sao có thể cạnh tranh trên thương trường toàn cầu nếu sản phẩm làm ra không bảo đảm chất lượng, tệ hơn nữa lại dối trá, cẩu thả, sử dụng tiểu xảo theo kiểu “khôn vặt”? Hãy thể hiện chữ tín ngay từ những việc nhỏ: đã hứa là làm, đã hẹn là tới; chỉ có vậy mới có thể duy trì tình bạn, giữ chân đối tác. Trong hợp tác quốc tế và nói chung trong xã hội văn minh hiện đại mà chúng ta mong muốn xây dựng không có chỗ cho sự buông thả, lối sống và làm việc vô kỷ luật”.
Ông Vũ Khoan cũng gửi gắm giới trẻ: “Tiếp cận với thế giới bên ngoài chúng ta bắt gặp biết bao điều hay để học và cũng sẽ gặp không ít điều dở nên tránh. Bản lĩnh của chúng ta trong quá trình hội nhập còn cần được thể hiện ở chỗ biết tiếp thu những tinh hoa và đủ sức chống chọi với những lệch chuẩn làm người. Tự tôn vô lối có thể dẫn đến chỗ kiêu ngạo mù quáng; tự ti quá mức có thể đưa tới chỗ tự đánh mất mình; tự trọng đúng mức sẽ giúp ta giữ vững tư thế, tiếp thu điều tốt, loại bỏ thói xấu”.
Từ những “tâm tình gửi lại” của ông, ghép thêm vào những “tâm tình” về ông của những người thân thiết và thế hệ kế cận, cuốn sách đã khắc họa một cách chân thực và tình cảm chân dung cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan - một tâm hồn cao đẹp, một trí tuệ minh mẫn và một đời sống bình dị - tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ noi theo.