Nỗ lực khơi thông dòng vốn tín dụng
Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu
Ngay từ đầu năm 2023, NHNN chi nhánh Phú Yên đã chủ động triển khai, hướng dẫn và yêu cầu các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ngành và của UBND tỉnh. Đặc biệt, chi nhánh đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn khôi phục sản xuất kinh doanh...
Cụ thể, tính đến tháng cuối tháng 9/2023, tất cả các chi nhánh NHTM trên địa bàn đều đã thực hiện đúng quy định về lãi suất của NHNN. Theo đó, đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay tại tất cả các kỳ hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân đối với hoạt động sản xuất kinh doanh giảm từ 0,5% - 5%/năm và lãi suất cho vay đối với tiêu dùng giảm từ 1% - 4,9%/năm so với đầu năm 2023.... Đây là mức giảm khá lớn, là ‘đòn bẩy’ động lực nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương như: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, chính sách phát triển thuỷ sản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Trong thời gian qua, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trên địa bàn Phú Yên còn những hạn chế. |
Tuy nhiên, dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp song, tăng trưởng dư nợ ở Phú Yên vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, tính đến 30/9/2023, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 47.175 tỷ đồng, tăng 1.724 tỷ đồng, tương đương tăng 3,79% so với cuối năm 2022.
Nguyên nhân chính do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế địa phương vẫn còn yếu. Đặc biệt, ‘sức khỏe’ của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp vấn đề. Doanh nghiệp phải đứng trước bài toán là duy trì hoạt động sản xuất lúc này có đảm bảo được việc thu hồi vốn và có lợi nhuận tích lũy hay không. Sau khi tính toán, không ít doanh nghiệp không có đủ tiềm lực phát triển sản xuất kinh doanh thì tạm dừng hoặc đóng cửa. Đối với các doanh nghiệp vẫn còn có thể sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, họ đắn đo trước những điều kiện bất lợi của nền kinh tế nên giảm việc đi vay, thậm chí hoàn trả các khoản vốn đã vay.
Trên thực tế, theo ông Trần Văn Ký, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Sông Cầu (Phú Yên), sức khỏe của nhiều doanh nghiệp hiện nay rất èo uột. Điều này, xuất phát từ nhiều yếu tố; trong đó có việc doanh nghiệp non trẻ, chưa có kinh nghiệm, tích lũy vốn chưa nhiều, thị trường biến động thất thường, khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế. Đặc biệt, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có khả năng phục hồi...
Tăng cường kết nối khơi thông dòng vốn
Một khi sức khỏe đã èo uột, các doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn khi tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Theo đại diện BIDV Phú Yên, thời gian qua mặc dù BIDV Phú Yên có điều kiện để tăng trưởng tín dụng, nhưng mức tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý nên cũng chưa thể tiếp cận được với vốn tín dụng.
Các TCTD trên địa bàn Phú Yên đang nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp |
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương, ngành Ngân hàng trên địa bàn Phú Yên vẫn đang nỗ lực bền bỉ đồng hành với doanh nghiệp. Coi đồng hành giải pháp tiên quyết và đầu tiên vào những thời điểm khó khăn… Cũng theo đại diện BIDV Phú Yên, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp cũng như người dân. Trong đó, đặc biệt tập trung vào việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân; tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến công nghệ số.
Trong khi đó, tại Agribank Phú Yên để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, đơn vị lại tăng cường công tác tuyên truyền. Tăng cường phổ biến các sản phẩm, dịch vụ, chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất… đến khách hàng thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, fanpage Agribank chi nhánh tỉnh Phú Yên và các hình thức quảng cáo trực quan khác. Thậm chí, để đưa thông tin đến các địa bàn vùng sâu vùng xa, chi nhánh còn tổ chức các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng…
Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank Phú Yên. |
Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa NHNN chi nhánh Phú Yên và các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của khách hàng từ các Hiệp hội để hỗ trợ, tháo gỡ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng được thuận lợi... mới đây NHNN chi nhánh Phú Yên đã có Công văn 883/PHY2 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đề nghị các đơn vị, địa phương nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ. NHNN chi nhánh cũng dự kiến tổ chức buổi cà phê kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để tiếp tục nắm bắt và kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng trong tháng 10/2023.
Theo đại diện NHNN chi nhánh Phú Yên, trong thời gian đến chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường triển khai hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn bằng các hình thức phù hợp; tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng để người dân, doanh nghiệp nắm và hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong quá trình phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai để chính sách của nhà nước được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn.
Trong khi đó, đối với các TCTD trên địa bàn, thực hiện tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, chủ động cân đối vốn để tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BT, BOT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp… Đặc biệt, tích cực triển khai hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.