Nỗ lực kiểm soát lạm phát của các NHTW đang bị đe dọa
Động thái chính sách của 10 NHTW lớn |
“Vấn đề không phải là chuyện phản ứng tự nhiên. Không phải là xem xét kỹ hay không. Bạn phải đưa ra một số đánh giá về… giá dầu ở mức 150 USD/thùng”, Huw Pill - Nhà kinh tế trưởng của NHTW Anh chỉ ra một kịch bản nếu xung đột giữa Israel và Hamas leo thang.
Chi phí năng lượng tăng vọt chỉ là một trong số hàng loạt những rủi ro mà Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thừa nhận hôm 19/10 là cuộc xung đột tại Trung Đông có thể "gây ra rủi ro quan trọng" cho nền kinh tế toàn cầu. Đó sẽ là tin xấu đối với một nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu mà theo cách nói của Quỹ Tiền tệ quốc tế, vốn đã “khập khiễng”.
Hiện Fed và ECB đều nhìn thấy cơ hội kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái hoàn toàn bằng cách giữ lãi suất ở mức hiện tại trong nhiều tháng. Cho đến nay tính toán đó vẫn không bị lung lay bởi mức tăng 10% của giá dầu kỳ hạn lên khoảng 94 USD kể từ khi cuộc xung đột tại dải Gaza bùng nổ - một mức tăng đã cộng thêm 1/10 điểm phần trăm vào thước đo "cốt lõi" của lạm phát cơ bản vốn đang được các NHTW theo dõi sát.
Giá dầu tăng mạnh kể từ khi cuộc xung đột tại dải Gaza bùng nổ |
Tuy nhiên điều mà các chuyên gia lo ngại là liệu giá dầu có một lần nữa vọt lên mức 130 USD/thùng sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ hay không chữ chưa nói gì tới kịch bản giá dầu tăng lên tới 150 USD/thùng mà Huw Pill lo ngại.
Những kết quả như vậy có thể xuất hiện nếu cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas tiếp tục leo thang và lan rộng, kéo theo các quốc gia trong khu vực sẽ làm gián đoạn dòng năng lượng từ các nước láng giềng OPEC qua eo biển Hormuz.
Nếu điều đó xảy ra, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn Mỹ vì không có sản lượng dầu nội địa. Giá khí đốt cao hơn cũng sẽ gây ra lạm phát, mặc dù ít nhất hiện khu vực này có rất nhiều khí đốt trong kho.
Yannis Stournaras - Thống đốc NHTW Hy Lạp và là một thành viên có quyền bỏ phiếu quyết định lãi suất của ECB cho rằng, châu Âu nhìn chung "đã xoay xở" để vượt qua những tác động tiêu cực khi chi phí năng lượng gia tăng do cuộc chiến Ukraine gây ra và hy vọng khu vực này có thể làm như vậy nếu những cú sốc tiếp theo xuất hiện. “Nó sẽ phụ thuộc vào thời hạn, nó sẽ phụ thuộc vào việc nó có thể lan rộng hay chỉ mang tính địa phương”, ông nói với Reuters, song nhấn thêm rằng, theo quy luật các xung đột sẽ làm tăng thêm lạm phát trong khi làm suy yếu hoạt động kinh tế tổng thể.
Bên cạnh rủi ro lạm phát, cuộc xung đột tại Trung Đông hiện nay có thể tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, cũng như ảnh hưởng đến suy nghĩ của các công ty và người lao động trong việc ấn định mức lương trong tương lai.
“Khi sự không chắc chắn tăng cao, thật khó để nói các cuộc đàm phán về lương vào năm tới sẽ diễn ra như thế nào”, Tetsuya Hiroshima - Giám đốc chi nhánh giám sát khu vực trung tâm Tokai của NHTW Nhật Bản cho biết. “Nhiều công ty hiện đang ở giai đoạn mà họ muốn đánh giá cẩn thận triển vọng lợi nhuận”, ông nói, đề cập đến lập trường của các doanh nghiệp trong các cuộc đàm phán lương sắp tới.
Ngoài ra các nhà phân tích lo ngại ngành du lịch và lữ hành sẽ chậm lại nếu lo ngại về cuộc xung đột tại dải Gaza có thể lan rộng gia tăng. Đó chỉ là một vài rủi ro mà cuộc xung đột này có thể mang đến.
Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, Fed sẽ theo dõi sát những diễn biến này để tìm ra những tác động của chúng tới nền kinh tế, nhất là khi tăng trưởng kinh tế vẫn đang rất không chắc chắn.
Bởi vậy theo các nhà phân tích, trừ khi diễn biến thay đổi đáng kể trong những ngày tới, NHTW Châu Âu (ECB), Fed, NHTW Anh và NHTW Nhật Bản dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách của họ trong các cuộc họp sẽ diễn ra trong hai tuần tới.