Nỗ lực toàn diện hỗ trợ khách hàng
Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 | |
Hy sinh lợi nhuận hỗ trợ khách hàng | |
Giảm lãi, gia hạn nợ vay tiêu dùng |
Mở rộng hỗ trợ
NHNN vừa ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nội dung đáng chú ý của Thông tư 14 là mở rộng phạm vi hỗ trợ cho khách hàng. Theo đó, Thông tư 14 cho phép TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (trước đây là trước ngày 10/6) và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 (trước đây là từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021). Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí cũng được thực hiện đến hết ngày 30/6/2022 thay vì thời điểm 31/12/2021 như quy định trước đây.
Mặc dù cũng gặp rất nhiều khó khăn, song các ngân hàng vẫn nỗ lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính nhìn nhận: “Đã có nhiều đề xuất kéo dài thời hạn hơn, song tôi cho rằng thời điểm đến tháng 6/2022 là khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh vẫn rất khó lường, bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải chịu rất nhiều khó khăn trong điều kiện chung của cả nước. Đây cũng là sự nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng để tập trung hỗ trợ cho khách hàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, có điều kiện hồi phục hoạt động sản xuất”. Vị chuyên gia này cũng khẳng định, việc giảm lãi suất thời gian qua là nỗ lực và quyết tâm lớn của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Quả vậy, dưới sự chỉ đạo của NHNN, thời gian qua các TCTD đã nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí, cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tiên phong trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ chính là các NHTM Nhà nước. Chẳng hạn từ nay tới hết tháng 12/2021, Agribank cân đối 30.000 tỷ đồng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ để hỗ trợ cho 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, khách hàng có thể được giảm lãi vay lên đến 2%/năm với chương trình này. Vietcombank cũng giảm 0,5%/năm lãi vay cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương và 0,3%/năm với khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam khác…
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng đang chịu sức ép rất lớn bởi muốn giảm lãi suất cho vay, cần phải giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên lãi suất huy động không thể giảm quá sâu vì các ngân hàng còn phải cân đối tới quyền lợi của người gửi tiền. Hơn nữa, nếu lãi suất huy động giảm quá thấp có thể khiến dòng vốn đảo chiều, chảy vào các kênh mang tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán, vàng… thì còn nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, hiện đã sắp bước vào quý cuối cùng của năm - thời điểm nhu cầu vay vốn lớn. Vì vậy các ngân hàng rất mong mỏi có thể nới thêm hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Giảm phí, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ
Song song với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, hệ thống ngân hàng tiếp tục miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh phí để hỗ trợ khách hàng, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2013/TT-NHNN theo hướng tiếp tục giảm 50% mức phí thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1/9/2021 đến hết 30/6/2022. Trước đó, NHNN cũng đã chỉ đạo NAPAS giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành đến hết năm nay.
Theo chuyên gia, những quy định này đã tạo thêm thuận lợi giúp các ngân hàng cắt giảm thêm chi phí để gia tăng nguồn lực hỗ trợ khách hàng. Trên thực tế, tới thời điểm này, hàng loạt các ngân hàng đã miễn 100% phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng; một số ngân hàng giảm lãi suất thẻ tín dụng, không thu phí chậm thanh toán thẻ trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn, hay cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt từ ATM trong hệ thống ngân hàng đó để chi tiêu trong kỳ không tính lãi…
Việc vận hành thông suốt, không làm gián đoạn quá trình phục vụ khách hàng cũng là mục tiêu lớn được các ngân hàng đặt ra. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Viết Dần - Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của SHB cho biết, để có thể phục vụ khách hàng liên tục trong giai đoạn dịch Covid-19, ngân hàng này xác định hai yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo nguồn lực lao động và duy trì ổn định hệ thống công nghệ thông tin.
“Ngân hàng khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch trên nền tảng công nghệ để góp phần thay đổi thói quen giao dịch không dùng tiền mặt bằng nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến; đảm bảo các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, đặc biệt là an toàn trong mùa dịch. Cán bộ của chúng tôi cũng luôn giữ kết nối với các khách hàng nhằm hỗ trợ kịp thời, đặc biệt với khách hàng đang phải tuân thủ cách ly hoặc trong khu vực bị giãn cách”, đại diện SHB cho biết.
Đại dịch Covid-19 cũng khiến tất cả ngân hàng tập trung toàn lực cho công cuộc chuyển đổi số, điều này giúp ngân hàng tiết kiệm thêm chi phí để gia tăng hỗ trợ khách hàng. Ông Trần Thái Bình - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của Sacombank chia sẻ, ngân hàng đặt ra mục tiêu lớn cần phải xử lý: làm sao để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng thông qua việc hợp nhất kênh giao dịch tương tác, tái thiết kế kênh giao dịch để mang sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng thuận tiện, nhanh chóng; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ bên trong…
“Việc trình ký hồ sơ, giấy tờ… hay những tác nghiệp có thể rất khó để số hoá thì chúng tôi cố gắng sử dụng robot kết hợp với con người cùng xử lý. Trong bối cảnh hiện nay khi nguồn lực hạn chế, cộng thêm việc giãn cách xã hội, robot tham gia cùng với con người trong quy trình vận hành của ngân hàng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Con số nào cũng thách thức với chuyển đổi số, chúng tôi kỳ vọng 90% các quy trình sẽ được số hóa, khách hàng không phải tới quầy giao dịch nữa thì ngân hàng sẽ tiết giảm rất nhiều chi phí vận hành”, ông Bình cho hay.
Một chuyên gia tài chính nêu quan điểm, dù là hỗ trợ ở dưới hình thức nào, liều lượng ra sao thì điều rõ ràng có thể nhìn thấy là hệ thống ngân hàng đều đang cùng hướng tới một mục tiêu chung: “Khách hàng là trọng tâm”. “Ngân hàng là ngành kinh tế tổng hợp nên cũng chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19, thậm chí sẽ phải chịu mức độ khó khăn dài hơi khi nợ xấu tiềm ẩn là vô cùng lớn. Nhưng các ngân hàng đều hiểu cứu khách hàng cũng là cứu chính ngân hàng và mọi nỗ lực từ phía từng ngân hàng sẽ đóng góp chung vào sự phục hồi của nền kinh tế quốc dân khi gia tăng thêm sức chống chịu cho các doanh nghiệp”, vị này nêu quan điểm.
Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ