Nới room tín dụng trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi
Nới room tín dụng: Thêm cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp | |
Nới “room” tín dụng: Áp lực lên lạm phát không lớn | |
Lại nói chuyện nới room ngoại ngân hàng |
Dồn vốn vào sản xuất kinh doanh
Tại Báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng năm 2021 vừa được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho hay, NHNN vừa nới room cho 11 ngân hàng. Trong đó, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20%, bao gồm: TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). VIB và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt 19,1% và 17,1%. Trong khi 3 NHTMCP có vốn Nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng được nâng hạn mức lên tương ứng là 15%, 12,5% và 12%.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều NHTM cũng xác nhận điều này. Theo nhận định của hầu hết các công ty chứng khoán, NHNN mở thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho các NHTM thời điểm này là hết sức cần thiết và hợp lý bởi tính đến hết quý III/2021 nhiều NHTM đã bắt đầu cạn room tín dụng. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 9, nếu không được cấp thêm hạn mức tín dụng thì trong 3 tháng cuối năm Vietcombank và MB chỉ có thể tăng thêm 0,8-0,9% do đã đạt mức tăng trưởng lần lượt 11,5% và 12,8%. Trong khi đó, Techcombank và BIDV hầu như không thể cho vay thêm do đã chạm mức 17% và 10%, tương đương mức NHNN cho phép.
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia tại BSC nhận định, trong quý III/2021, lĩnh vực cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống cá nhân được đẩy mạnh, trong khi đó cho vay khối DNNVV và doanh nghiệp lớn có sự chững lại do các địa phương triển khai giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19. Vì thế, trong các tháng quý IV, cùng với việc mở cửa trở lại nền kinh tế và tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, nguồn vốn vay sẽ có động lực chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trở thành dòng chảy chính của tín dụng quý cuối năm.
Đồng quan điểm, một phân tích của Agriseco Research cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2021 sẽ phục hồi tích cực khi các hoạt động kinh tế dần trở về trạng thái bình thường mới. “Tín dụng đã tăng trở lại với tốc độ trung bình khoảng 0,48%/tháng trong quý III. Vì thế khi được nới room tín dụng, nhóm NHTMCP như TPB, TCB, MSB, MB, ACB, VIB sẽ là nhóm có sức bật tốt về cho vay khách hàng trong quý IV”, Agriseco nhận định.
Thực tế, từ thị trường cũng có thể thấy việc nới room tín dụng thời điểm này cho hàng loạt các NHTM sẽ là động lực đáng kể để dòng vốn với lãi suất thấp của hệ thống ngân hàng dồn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Bởi những thống kê gần đây nhất của NHNN cho thấy rằng, trong các tháng 10 và 11 vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã cải thiện rõ rệt.
Tại Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” diễn ra ngày 30/11, đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết, tính đến 25/11 dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm gần một tháng trước (29/10) mới chỉ đạt 8,72%. Điều này đồng nghĩa là đã có hàng nghìn tỷ đồng vốn tín dụng đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong những tuần các địa phương dần mở lại hoạt động kinh tế kết nối trở lại.
Tại khu vực TP.HCM, đến cuối tháng 11/2021, chỉ tính riêng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các TCTD đã giải ngân 447.383 tỷ đồng cho gần 27.300 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tăng 120% so với gói tín dụng đã được cam kết hồi đầu năm. Lãi suất cho vay gói tín dụng này chỉ ở mức 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn ngắn hạn bằng VND và không quá 9%/năm trung và dài hạn.
Nhiều điểm tựa ổn định lãi vay ở mức thấp
Theo phân tích của Agriseco Research, NHNN nới room tín dụng cho các NHTM có thể nảy sinh một số quan ngại cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay có thể nhích nhẹ trong các tháng cao điểm kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhìn nhận động lực để tăng lãi suất cho vay đối với nhiều NHTM hiện nay là không lớn bởi “bộ đệm” bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đang khá tích cực. Các ngân hàng như Vietcombank, MB hiện có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 200%, trong khi đó các ngân hàng như ACB, Techcombank, BIDV, VietinBank, TPBank… đều có tỷ lệ này trên 100%. Ngoài ra, tính đến hết quý III/2021 chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro của hầu hết các NHTM niêm yết đều đã giảm so với các quý đầu năm. Điều này không gây áp lực quá nhiều tới lợi nhuận, khiến các NHTM phải tăng lãi suất cho vay để “co kéo”.
Từ góc độ thị trường, cũng có thể nhận thấy, trong các tháng đầu năm nay mặc dù lãi suất huy động có tăng ở một số kỳ hạn tiết kiệm, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tranh thủ được nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Một số ngân hàng như Techcombank, MB, Vietcombank, MSB hiện có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao hơn 30%. Điều này có thể giúp giảm chi phí vốn từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay mà không phải áp lực tăng lãi suất đầu ra.
Nhận định chung về tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm 2021, chứng khoán BSC cho rằng, nhiều khả năng việc mở cửa trở lại của nền kinh tế sẽ giúp tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm nay đạt khoảng 13%. Trong năm 2022, các chuyên gia dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 13%, được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Theo BSC lãi suất huy động dao động từ 3-4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm đối với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay dao động từ 5-7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11%/năm đối với khoản vay trên 12 tháng.