Nuôi dưỡng những khát vọng làm giàu
Agribank mở rộng hợp tác, đồng hành với thành công của khách hàng | |
Agribank - một điểm nhấn trong bức tranh xây dựng nông thôn mới |
Các mô hình trồng rau hữu cơ đang nhận được sự quan tâm đầu tư của Agribank |
Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới rộng 4.000 m2 với những luống rau ngay ngắn, tươi xanh, chị Đặng Thị Cuối phấn khởi nói: “Tôi yêu vườn rau của mình lắm, nó như máu thịt của tôi vậy. Bao nhiêu năm bôn ba nơi xứ người giờ được thực hiện ước mơ trên chính mảnh đất quê hương mình tôi hạnh phúc lắm”.
Chị Cuối là một trong những người ở huyện Đan Phượng ngày hôm nay đang vươn lên làm giàu với sự đồng hành của Agribank.
Người nông dân với khát vọng làm giàu
Cũng giống như bao người nông dân khác, quanh năm đầu tắt mặt tối, sấp ngửa với ruộng đồng rồi lại mang rau ra chợ xã, chợ huyện để bán nhưng vẫn không đủ ăn, nên năm 2000, chị đành phải dứt áo đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. Thoạt đầu chị làm nghề chăm sóc người già nằm liệt giường cho một gia đình buôn bán bận rộn ở thành phố Tân Trúc. Nhưng ít lâu sau người đó khuất núi.
Cái duyên đối với những “vườn rau” được tiếp nối khi chị được chủ nhà giới thiệu vào làm việc ở các trang trại trồng rau sạch. Qua 6 năm học kinh nghiệm ở đây, hết hợp đồng lao động chị về nước. Nhưng duyên với xứ Đài chưa hết. Ở nhà được một thời gian chị trở lại Đài Loan. Lần này chị tiếp tục làm cho một chủ trang trại trồng rau nhưng trang trại này lớn hơn trước rất nhiều, với trên 20 ha đủ để cung cấp rau cho toàn bộ hệ thống trường học ở thành phố Tân Trúc.
Được tiếp tục gắn bó với nghề cũ ở quê, chị vừa sung sướng lại vừa bỡ ngỡ vì nghề trồng rau xứ Đài khác xa với nghề trồng rau Việt Nam. Nước trồng rau sạch hơn cả nước người uống. Vì nhà chủ dùng nước máy để ăn nhưng cũng thứ nước ấy phải qua máy lọc mới dám đưa vào hệ thống tưới tự động cho rau.
Trước mỗi mùa vụ đất đai được “khò” qua lửa để diệt sạch mầm bệnh. Phân gà được ủ trên 6 tháng cho chết hết ký sinh trùng rồi mới đem bón. Sâu nếu có được bắt bằng tay là chính chứ không mấy khi phải phun thuốc. Năng suất cao gấp 2-3 lần đã đành nhưng độ sạch còn gấp hơn thế rất nhiều lần. Những trang trại rau sạch này đã mang lại thu nhập “khủng” cho người bản địa. Chính điều này đã thôi thúc chị Cuối thực hiện ước muốn trồng rau sạch trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đổi đời với rau sạch công nghệ cao
Đầu năm 2017, chị Cuối quyết định trở về quê hương, dồn hết vốn liếng trong những năm lao động vất vả ở Đài Loan để bắt tay vào trồng rau sạch. Ban đầu, vợ chồng chị cũng đi nhiều tỉnh thành như Đà Lạt, Hòa Bình, Thanh Hóa để tìm đất xây dựng trang trại nhưng đều không thành. Cuối cùng anh chị quyết định về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng - là nơi anh chị sinh ra, lớn lên và kết duyên vợ chồng để phát triển mô hình trồng rau sạch. Nghĩ là làm, vợ chồng chị Cuối đã chặt hết bưởi, ổi đang thời kỳ thu hoạch rộng gần 1.360 m2 để dựng nhà lưới đầu tiên bằng 2 tấn thiết bị mua từ Đài Loan.
Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp thông minh đòi hỏi số vốn đầu tư rất lớn. Đây là một trong những bài toán khó khăn nhất đối với người nông dân, doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi đầu tư kinh doanh.
Chị Cuối bộc bạch với chúng tôi: “Lúc đầu vợ chồng tôi bỏ hết số tiền bao năm tích góp ra để làm vườn thế nhưng chẳng thấm vào đâu. Tôi đã quyết định tìm đến Agribank để giúp vợ chồng tôi thực hiện ước mơ trồng rau sạch công nghệ cao. Thật may, các bác ở Agribank đã giúp chúng tôi được vay vốn ưu đãi và luôn cùng đồng hành với chúng tôi trong thời gian vừa qua”.
Giới thiệu với chúng tôi 20 nhà lưới trồng các loại rau ăn lá, mỗi cái rộng hơn 4ha với những luống rau tươi xanh, chị Cuối phấn khởi cho biết: Chúng tôi áp dụng công nghệ trồng rau của Đài Loan có cải tiến để phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sẵn có của Việt Nam. Hệ thống nhà lưới được làm theo kỹ thuật của Nhật Bản, lắp ghép bằng những chốt móc, có thể đàn hồi, xê dịch khi có gió bão. Đồng thời, áp dụng hệ thống tưới tự động có 3 chế độ tưới: Phun sương, phun tỏa, phun mưa, nước tưới rau luôn được xử lý kỹ qua bể lọc.
Hoạt động trồng rau tuân theo một quy trình khép kín nên cũng khá đơn giản. Đất trồng rau không phun thuốc diệt cỏ, không phun thuốc trừ sâu hóa học. Giống thì được nhập từ Đài Loan, Hà Lan. Tuyệt đối không dùng giống biến đổi gen, không dùng giống kích thích sinh trưởng, không dùng phân bón hóa học, chỉ dùng phân viên của Hà Lan, phân hữu cơ. Sản lượng luôn cao hơn gấp 2,3 lần so với sản xuất truyền thống. Khi nắm vững lịch thời vụ sẽ giúp cho hoạt động cung ứng rau ra thị trường luôn được duy trì ổn định.
Gần với khu nhà lưới, vợ chồng chị Cuối cũng đã đầu tư một hệ thống sau thu hoạch rất hiện đại. Mỗi ngày, khoảng 3 - 4 tấn rau được tập trung về khu vực chế biến để phân loại, rửa sạch và đóng gói cẩn thận. Trên bao gói có đầy đủ các thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Với giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng. Hàng ngày có gần 20 lao động miệt mài làm việc.
Theo chị Cuối, hiện nhu cầu về các sản phẩm sạch hữu cơ ngày càng cao là tín hiệu vui với những người nông dân sản xuất nông sản hữu cơ. Các sản phẩm rau hữu cơ của gia đình chị Cuối được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định.
Chính vì vậy, mà ngày càng nhiều hộ nông dân tìm đến cơ sở của vợ chồng chị để học hỏi kinh nghiệm. Anh chị cũng trực tiếp đi dựng nhà giàn và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều hộ dân trong vùng. Đây có thể coi là một hướng đi mới, giúp người nông dân phát triển kinh tế. Chị càng tin tưởng hơn vào thành công bền vững của mô hình kinh tế đang triển khai khi có Agribank luôn sát cánh, đồng hành.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Agribank chia sẻ, nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ. Muốn phát triển nông sản hàng hóa, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” và cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp nước ngoài, mở rộng xuất khẩu thì phát triển đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là một trong những yêu cầu bắt buộc.
Từ nhận thức này, Agribank luôn sẵn sàng nguồn vốn rót vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là vốn cho các khách hàng áp dụng biện pháp sản xuất hiện đại, công nghệ cao.
Hiện nay, Agribank đang triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển công nghệ cao với quy mô lớn theo các mô hình trồng rau, hoa ở Lâm Đồng; cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ; chăn nuôi ở Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam; đầu tư máy móc thiết bị nông nghiệp ở Tiền Giang, Long An; nuôi tôm giống ở Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận; trồng hoa Lan, nuôi bò sữa ở Củ Chi, Kon Tum... rất hiệu quả.