Ô tô và khoảng cách giàu nghèo
Bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo | |
UNCTAD: Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng | |
Tín dụng chính sách: Góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo |
Hoàng Thu Nga, đồng sở hữu một DN có ga-ra ô tô khá lớn tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, trước đây DN này có bán các dòng xe “cỏ” giá rẻ, nhưng người mua thường rất thận trọng vì chất lượng có thể rất khác giữa các xe cùng đời. Ngược lại, các dòng xe đắt tiền hơn, nhập khẩu lại có lượng khách khá ổn định, khách mua không khó tính, chủ yếu là khách quen, đã sử dụng qua nhiều dòng xe và muốn trải nghiệm các mẫu mới.
Ảnh minh họa |
Thị trường xe có phân cấp rất rõ giữa các nhóm nhu cầu tiêu dùng: dạng xe “cỏ” giá rẻ giúp tăng khả năng tiếp cận phương tiện giao thông hiện đại này của người dân tỉnh lẻ, người thu nhập trung bình; trong khi những dòng xe mới, xe nhập khẩu, xe sang lại hướng đến người giàu. Nhu cầu của các nhóm đối tượng này đều khá lớn, nhưng dường như khả năng tiếp cận xe ô tô đang dần chuyển hướng về phía người giàu có hơn.
Theo số liệu thống kê của hải quan, trong giai đoạn 2011-2017, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ ô tô nguyên chiếc các loại của Việt Nam liên tục tăng cao, đạt đỉnh điểm trong các năm 2015 và năm 2016 với bình quân gần 120 nghìn chiếc/năm. Tuy nhiên, đến năm 2017 thì nhập khẩu giảm, chỉ đạt hơn 97 nghìn chiếc (giảm 13,6% so với một năm trước đó). Nhưng cùng thời gian trên, giá ô tô nhập khẩu có biến động khá lớn. Giai đoạn 2011-2015, đơn giá bình quân khai báo nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi dao động khoảng 11 nghìn USD/chiếc; năm 2016 lên mức 14 nghìn USD/chiếc và năm 2017 đạt hơn 18 nghìn USD/chiếc.
Sang năm 2018, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ các nước ASEAN bắt đầu được điều chỉnh về 0%, nhưng do tác động của Nghị định 116/2017/NĐ-CP nên lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh. Thống kê hải quan mới nhất ghi nhận trong quý I/2018, tổng lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam đạt 4,2 nghìn chiếc, giảm 84% so với cùng kỳ năm 2017; trong khi đó, giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao với bình quân hơn 22 nghìn USD/chiếc.
Dữ liệu trên cho thấy, trong khi nhập khẩu ô tô có xu hướng giảm, đơn giá chiếc xe bình quân có xu hướng tăng. Điều này cho thấy nhu cầu đối với xe sang vẫn không hề giảm. Hay nói cách khác, những điều chỉnh đối với thị trường ô tô chỉ tác động chủ yếu đến cung và cầu các loại xe giá thấp.
Một nguồn số liệu từ Vibiz.vn cho biết, năm 2017 người Việt tiêu thụ đến 8.670 chiếc xe hơi hạng sang, siêu sang các loại. Tính ra, nước ta đã chi đến 20.000 tỷ đồng để mua các dòng xe này. Cùng năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu 21.902 chiếc ô tô hạng sang có giá trên 2 tỷ đồng. Đáng chú ý lượng nhập khẩu ở tháng cuối năm tăng đột biến so với tháng 11 và các tháng trong năm, đạt 3.041 chiếc.
Năm qua cũng ghi nhận có khoảng 160 “xế khủng”, đủ các dòng như siêu xe, siêu sang nhập khẩu, có giá sau thuế từ 10-80 tỷ đồng, đã được cấp đăng kiểm. Bên cạnh đó, gần 1.000 xe có giá bán từ 5-10 tỷ đồng cũng được người giàu xuống tiền mua. Theo giới kinh doanh xe nhập khẩu, tốc độ mua sắm “xế khủng” của đại gia Việt tiếp tục dẫn đầu khu vực. Tốc độ tăng trưởng và độ chịu chơi của Việt Nam đang vượt Singapore, Thái Lan... Xu hướng khác biệt giữa cung và cầu dòng xe “cỏ” và siêu sang nêu trên cho thấy dấu hiệu về khoảng cách giàu nghèo đang phân tách khả năng tiếp cận ô tô cá nhân.