Tín dụng chính sách: Góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
Ông Trần Việt Hùng |
Ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đại Quang và Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) Nguyễn Văn Bình sẽ chủ trì Hội nghị “Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách địa bàn Tây Nguyên” tại TP. Pleiku (Gia Lai).
Trước thềm Hội nghị, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trao đổi với báo chí về kết quả thực hiện của Đề án này.
Ông có thể đánh giá kết quả sau 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn Tây Nguyên giữa Ban Chỉ đạo với VBSP?
Có thể khẳng định, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên đã thành công với những con số ấn tượng, thể hiện ở tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31/10/2015 là 16.278 tỷ đồng với gần 700 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 4.883 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2012; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96%, trong khi tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc là 7,76%.
Trong đó, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 15.564 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,6%; dư nợ cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 714 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,4%.
Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh phối hợp giữa Ban Chỉ đạo, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong vùng, VBSP đã được quan tâm, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến hết tháng 10/2015, tổng số vốn hỗ trợ của địa phương là 974,5 tỷ đồng, bình quân mỗi tỉnh đạt 81,2 tỷ đồng. Đây là việc làm hết sức thiết thực để tăng sức mạnh của tín dụng chính sách.
Chúng tôi nhìn nhận, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương, xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Sự chuyển biến tích cực từ Đề án được thể hiện rõ nhất ở nội dung nào, thưa ông?
Chuyển biến tích cực nhất là về nâng cao nhận thức của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, từ đó giúp nâng cao chất lượng tín dụng và quản lý vốn vay của VBSP.
Vào thời điểm trước khi tiến hành Đề án, nợ quá hạn ở khu vực Tây Nguyên của VBSP cao hơn bình quân chung toàn quốc và tiềm ẩn nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng. Tổng dư nợ cho vay ở khu vực Tây Nguyên lúc đó chiếm tỷ trọng 11% dư nợ toàn quốc của VBSP, trong khi đó tổng số nợ quá hạn gần chiếm tỷ trọng 13,2% nợ quá hạn của toàn quốc…
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, vận động, tuyên truyền, kết quả thu được là tỷ lệ nợ quá hạn đã xuống thấp bằng bình quân chung của toàn hệ thống VBSP và giữ ổn định từ giữa năm 2014 đến nay.
Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay; khách hàng vay vốn đã có chuyển biến về ý thức được “có vay có trả”, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi và gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, trả nợ vay khi đến hạn.
Tín dụng chính sách giúp bà con Tây Nguyên có nước sạch |
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và VBSP sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào để phát huy thành quả vừa qua, thưa ông?
Chúng tôi và VBSP sẽ đặt trọng tâm giúp 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do VBSP cung cấp.
Đồng thời, đề nghị địa phương hỗ trợ về nguồn vốn mỗi năm thêm ít nhất 10% để đến năm 2017 toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bình quân mỗi tỉnh 80 tỷ đồng. Đi đôi với tăng trưởng tín dụng là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn của vùng Tây Nguyên ổn định, giảm lãi tồn đọng và tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ TK&VV, tăng số dư tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV.
Để đạt được những mục tiêu này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tích cực cùng VBSP bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong mọi mặt hoạt động của VBSP; chủ động tham mưu cho các ban, bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ngành, các hội, đoàn thể vùng Tây Nguyên trong việc tham gia hoạt động tín dụng chính sách xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ. Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân biết và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng vốn vay, trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Từ 2013 đến nay các tỉnh Tây Nguyên đã có hơn 1 triệu lượt hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NH Chính sách Xã hội. Nhờ đó có khoảng 121.000 hộ gia đình được đưa vào danh sách hộ thoát nghèo, gần 55.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập và trên 34.000 lao động nhàn rỗi có công ăn việc làm. Các địa phương đã xây dựng thành công gần 312 ngàn công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà vệ sinh và trên 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 giảm từ gần 19% năm 2011 xuống còn hơn 11% vào năm ngoái. Th. Bình |