OECD: Kinh tế toàn cầu sẽ không suy thoái trong năm tới
Cụ thể trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,1% trong năm nay - cao hơn một chút so với dự báo đưa ra vào tháng 9, sau đó giảm mạnh xuống 2,2% vào năm 2023, trước khi tăng tốc lên 2,7% vào năm 2024. "Không dự đoán một cuộc suy thoái sẽ diễn ra nhưng chúng tôi đang dự đoán chắc chắn về một giai đoạn suy yếu rõ rệt", Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nói tại cuộc họp báo trình bày triển vọng kinh tế mới nhất của tổ chức này.
Theo ông Mathias Cormann, mặc dù kinh tế toàn cầu sẽ tránh được suy thoái trong năm tới nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ gây ra suy giảm kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. Tác động của suy giảm này không đồng đều lên các nền kinh tế. Trong đó, châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khiến giá năng lượng tăng vọt. OECD dự báo, khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, sau đó giảm xuống 0,5% vào năm 2023 trước khi phục hồi lên mức 1,4% vào năm 2024. Các con số này tốt hơn một chút so với triển vọng tháng 9 của OECD, khi ước tính mức tăng trưởng 3,1% năm nay và 0,3% vào năm 2023.
Thành phố Frankfurt, Đức |
Trong khu vực đồng Euro, triển vọng với mỗi nền kinh tế thành viên cũng khác nhau. Trong đó, Đức - nền kinh tế đứng đầu khu vực dự báo tăng trưởng GDP giảm 0,3% trong năm tới do ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, mức này vẫn ít nghiêm trọng hơn so với dự báo giảm 0,7% đưa ra vào tháng 9. Với nền kinh tế Pháp, vốn ít phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga, dự kiến sẽ tăng 0,6% trong năm tới. Kinh tế Ý dự báo tăng trưởng 0,2%, tức là có thể xảy ra suy giảm trong một vài quý.
Bên ngoài khu vực đồng Euro, nền kinh tế Anh được dự báo giảm 0,4% trong năm tới do cùng lúc phải đối mặt với việc tăng lãi suất, lạm phát tiếp tục gia tăng và niềm tin yếu. Trước đó, OECD dự kiến kinh tế Anh tăng trưởng dương 0,2%. Trong khi đó, kinh tế Hoa Kỳ dự báo có triển vọng tốt hơn, với tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại từ 1,8% trong năm nay xuống 0,5% vào năm 2023 trước khi tăng lên 1% vào năm 2024. Trước đó, OECD dự kiến kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay và 0,5% trong năm 2023.
Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế lớn dự kiến sẽ tăng trưởng khá tích cực trong năm tới. Cụ thể, tăng trưởng năm nay dự kiến ở mức 3,3%, sau đó tăng lên 4,6% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Các dự báo này không thay đổi nhiều so với dự báo trước của OECD, ở các mức 3,2% vào năm 2022 và 4,7% vào năm 2023.
Lạm phát trong khu vực OECD được dự báo sẽ vẫn ở mức trên 9% trong năm nay. Tuy nhiên cùng với CSTT thắt chặt hơn phát huy hiệu lực, áp lực về nhu cầu và giá năng lượng giảm bớt, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng tiếp tục bình thường hóa, dự kiến lạm phát sẽ dần điều chỉnh xuống mức 6,6% vào năm 2023 và 5,1% vào năm 2024.
OECD cũng chỉ ra sự “không chắc chắn đáng kể” xung quanh triển vọng mà báo cáo mới nhất đưa ra. Tăng trưởng có thể yếu hơn dự kiến nếu giá năng lượng tiếp tục tăng hoặc nếu nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn ảnh hưởng đến thị trường điện và khí đốt ở châu Âu và châu Á. Trong khi đó, lãi suất toàn cầu tăng có thể khiến nhiều hộ gia đình, DN và chính phủ chịu áp lực lớn hơn khi gánh nặng trả nợ tăng lên. Các quốc gia có thu nhập thấp sẽ vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương do giá lương thực và năng lượng tăng cao, trong khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể làm tăng nguy cơ nợ nần chồng chất hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, OECD khuyến nghị một số hành động chính sách mà các chính phủ nên thực hiện để đối phó với khủng hoảng. Theo đó, việc thắt chặt CSTT hơn nữa là cần thiết ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến lớn cũng như ở các nền kinh tế mới nổi để tránh kỳ vọng lạm phát và hạ được lạm phát về lâu dài.