OECD: Tăng trưởng toàn cầu sẽ yếu ớt
Ảnh minh họa |
“Tăng trưởng dậm chân tại chỗ ở các nền kinh tế tiên tiến và chậm lại ở rất nhiều nền kinh tế mới nổi – vốn được xem là đầu máy tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Tăng trưởng năng suất cũng chậm lại và bất bình đẳng gia tăng càng đặt ra thêm các thách thức” - Tổng thư ký OECD Jose Angel Gurria phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng thường niên của Tổ chức này mới đây.
Vị này cũng cho rằng: “Một hành động chính sách toàn diện là rất cần thiết để thoát khỏi cung đường tăng trưởng đáng thất vọng hiện nay, đồng thời đảm bảo mức sống tốt hơn cho tất cả mọi người”.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Catherine L. Mann của OECD, nếu các nước không hành động thúc đẩy tăng năng suất và tiềm năng tăng trưởng thì cả thế hệ trẻ và già sẽ chịu tác động tiêu cực. “Hậu quả của việc không đưa ra chính sách nào là cơ hội việc làm cho giới trẻ sẽ ít đi trong khi thu nhập hưu trí cũng sẽ thấp hơn đối với người nghỉ hưu trong tương lai” - Catherine L. Mann cảnh báo.
Theo dự báo trong báo cáo vừa công bố, tăng trưởng toàn cầu năm 2016 chỉ ở khoảng 3%, gần như tương đương với mức tăng của 2015 và thấp hơn so với dự báo được OECD đưa ra vào tháng 11/2015. Kinh tế toàn cầu có thể hồi phục nhẹ, lên mức 3,3% vào năm 2017.
Đối với các nền kinh tế phát triển lớn, Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,8% năm nay và 2,2% năm 2017. Khu vực đồng tiền chung Euro sẽ tăng trưởng chậm hơn, dự báo ở mức 1,6% năm 2016 và 1,7% năm 2017.
Nhật Bản còn chậm hơn nữa, với khả năng chỉ tăng 0,7% năm 2016 và 0,4% năm 2017. Đối với các nền kinh tế mới nổi lớn, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,5% năm nay và 6,2% năm 2017; Ấn Độ tăng 7,5% cho cả năm nay và năm sau.
Trong khi đó, OECD dự báo kinh tế Nga và Brazil vẫn chìm trong suy thoái. Đáng chú ý, kinh tế Brazil được dự báo sẽ suy thoái tới - 4,3% trong năm 2016 trước khi có thể phục hồi nhưng vẫn ở mức suy thoái -1,7% năm 2017.