Open Banking - Tương lai để mở rộng hệ sinh thái số ngành Ngân hàng
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự và chủ trì Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng; ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán; ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN; ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Napas…
Đánh giá về xu hướng trong thời gian gần đây, ông Đào Quang Bính, Tổng thư ký tòa soạn kiêm Tổng giám đốc VnEconomy khẳng định, ngành Ngân hàng không chỉ chứng tỏ được vị thế vai trò tin cậy của mình đối với nền kinh tế mà còn dẫn đầu khi tiếp cận với các xu thế quản lý, kinh doanh hiện đại của thế giới. Ban đầu là thanh toán trực tuyến qua máy tính kết nối Internet, sau đó là các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ra đời được "đính" trên bề mặt những chiếc điện thoại thông minh thông qua các ứng dụng mà nhiều người vẫn gọi là APP. Từ APP, người dùng có thể thoả sức trải nghiệm mua sắm, chi trả hầu hết các nhu cầu thiết yếu một cách tiện lợi, an toàn.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại Hội thảo |
Để có kết quả này, theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, ngành Ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo hệ sinh thái đồng bộ cho các ngân hàng và công ty Fintech phát triển, cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp; hạ tầng chuyển đổi số và cung ứng dịch vụ ngày càng hiện đại, rộng khắp; hệ sinh thái số tăng cường tiếp cận, trải nghiệm khách hàng.
Mở rộng kết nối là chưa đủ, phát triển hệ sinh thái còn phải bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch ngân hàng điện tử. Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lĩnh vực ngân hàng là một trong 11 lĩnh vực cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng được coi là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Với sự chuyển dịch mạnh mẽ lên môi trường số, khối lượng dữ liệu khổng lồ của ngành Ngân hàng, tài chính đang trở thành đích ngắm hàng đầu của tội phạm mạng.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng đầu năm 2023, đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
"Vì vậy, ngoài các phương án bảo vệ thì việc triển khai các hoạt động tập huấn, diễn tập thực chiến nhằm nâng cao năng lực đối phó và xử lý với các sự cố mất an toàn thông tin cho lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu cần thiết và cấp bách, cần triển khai thường xuyên", ông Trần Quang Hưng khẳng định.
Toàn cảnh Hội thảo |
Một trong các xu hướng nổi bật đã và đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng là ngân hàng mở (Open Banking).
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh đến công nghệ đột phá Open API, ứng dụng cho phép kết nối các tài khoản của khách hàng, truy cập truy xuất, đối chiếu các giao dịch nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin. Công nghệ này đã được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo.
Đây cũng là xu hướng toàn cầu quan trọng nhất trong hệ sinh thái ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Triển khai Open API từ năm 2017, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, áp dụng Open Banking ngân hàng sẽ thiết lập hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác tệp khách hành mới; bên thứ 3 tạo ra các mô hình kinh doanh mới, cung cấp dịch vụ thu hút khách hàng sử dụng. Đặc biệt, trải nghiệm giao dịch tài chính của khách hàng được nâng cao, tiết kiệm chi phí giao dịch qua trung gian, quản lý tài chính tốt hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Open Banking - Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý, trong đó, rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) các nội dung về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ…; tiếp tục nâng cấp phát triển, tăng cường tính an toàn bảo mật và khả năng tích hợp kết nối của các hạ tầng công nghệ của toàn ngành; khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và xây dựng, phát triển API mở và kết nối với các đối tác để cung ứng sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông để hướng dẫn khách hàng hiểu rõ về quy trình thực hiện, bảo mật thông tin và nhận biết để phòng, tránh những rủi ro lừa đảo, gian lận; tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bên để kịp thời hỗ trợ xử lý những vướng mắc, sự cố phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ.