Phát huy giá trị di sản cầu Long Biên
Mới đây, một lần nữa cầu Long Biên lại trở thành chủ đề của một cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa. Tại Hội thảo khoa học “Đổi mới, sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển cầu Long Biên và Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức hôm 25/10, nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu ra để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của cây cầu có tuổi đời hơn 120 năm này.
Cầu Long Biên được ghi nhận là một trong những cây cầu thép lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20, được xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902, bắc qua sông Hồng. Cây cầu này đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay, sau hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên do bị tàn phá bởi chiến tranh và có tuổi thọ quá lớn nên cây cầu giờ đây đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông. Hơn nữa hiện chiều cao tĩnh không của cây cầu đã lạc hậu, khó đáp ứng yêu cầu giao thông đường thủy. Cảnh quan hai bên bờ sông nơi có cây cầu bắc qua dù đã có quy hoạch nhưng hiện vẫn là vùng đất hoang chưa được tôn tạo, làm đẹp cho cửa ngõ vào phố cổ Hà Nội.
Cầu Long Biên gắn bó mật thiết với người Hà Nội |
Theo ông Chính, mặc dù đã có không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm của giới chuyên môn, nhà quản lý và chuyên gia văn hóa, lịch sử bàn về nội dung bảo tồn, khai thác và cầu Long Biên được nhắc đến nhiều trong các dự án trùng tu, khôi phục, nhưng đến nay cây cầu vẫn đang trong tình trạng xuống cấp. Do vậy, đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cho hậu thế mai sau.
Cùng bàn về sự cấp thiết có giải pháp phục hồi cầu Long Biên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trăn trở, cây cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà là cầu nối nước Pháp với Việt Nam, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Cây cầu là một chứng nhân lịch sử qua bao thăng trầm trong hơn 120 năm qua. Ấy thế mà thực trạng cây cầu hiện nay vô cùng ảm đạm, trên mình còn mang bao nhiêu vết thương chiến tranh mặc dù đã được các cơ quan chức năng “chạy chữa” hàng năm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đề xuất, phục hồi lại đúng nguyên bản thiết kế của cây cầu với 20 trụ cầu lớn và 19 nhịp cầu hình dáng như rồng lượn cho tương thích với danh xưng Thăng Long của Thủ đô ngàn năm văn hiến. “Biến cầu Long Biên thành cầu đi bộ, thành một trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp với khai thác bãi giữa sông Hồng, chắc chắn sẽ là điểm độc đáo của du lịch Hà Nội, Việt Nam và thế giới. Đây là một mỏ vàng của du lịch Hà Nội mà chúng ta chưa khai thác”, ông Nguyễn Dy Niên đề xuất.
Quan điểm bảo tồn nguyên trạng cây cầu Long Biên nhận được sự đồng tình của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Tuy vậy, TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần tiến hành thận trọng. Bước đầu, cần tiến hành quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng một cách kỹ càng, trong đó xác định cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào. Bên cạnh đó, không nên xây dựng tuyến giao thông thay thế bằng cầu mới quá gần cầu hiện tại. Tuyến giao thông thay thế mới này cần tổ chức dạng kiến trúc thật đơn giản, càng giảm thiểu hiện diện hình càng tốt. Không tổ chức quy hoạch xây dựng công trình cao tầng quá gần cầu (trong phạm vi 500m).
Trong khi đó, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, đến thời điểm này cần có nghiên cứu khoa học phân tích các cứ liệu về lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật, xã hội học và kinh tế để nhận diện đủ giá trị. Xây dựng các căn cứ pháp luật như công nhận di sản, hình thành bộ máy quản lý hành chính và nguồn tài chính phù hợp. Tạo lập quan hệ hài hòa giữa khu vực lịch sử với toàn bộ thành phố thông qua các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và cả quy hoạch chi tiết. Rà soát lại quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng để điểu chỉnh hình thành trục không gian cảnh quan văn hóa Long Biên. Bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên phải có định hướng cụ thể đánh giá môi trường, tổ chức giao thông…
Đồng quan điểm, KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị cho rằng, cần nhìn nhận và đánh giá lại giá trị của cầu Long Biên trong lịch sử và mối quan hệ của nó với cộng đồng không chỉ ở riêng Hà Nội. Cần một cách ứng xử thận trọng, khoa học và nhân văn. Việc khảo sát tổng thể và chi tiết là quan trọng và cần thiết trước các đánh giá giá trị. Trong mọi mặt cần phải có tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để cầu Long Biên được ứng xử như một di sản thì trước tiên Hà Nội phải đề xuất để cây cầu chính danh là một di sản. Cùng với đó, đề nghị sớm có tuyến đường sắt mới để thay thế tuyến đường sắt đang chạy qua cầu hiện nay, sau đó tiến hành bảo tồn và tôn tạo. Khi đó, cần có sự chung tay, quy trình thực hiện sao cho hợp lý đến từ các nhà chuyên môn, đầu tư và phía chính quyền.