Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học
Ngân hàng gỡ khó cho người nuôi lợn bị dịch | |
Nuôi lợn an toàn sinh học: Giải pháp tái đàn hiệu quả | |
Ngành chăn nuôi lợn: Cần sản xuất theo tín hiệu thị trường |
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng đàn lợn hiện nay của cả nước là 24,9 triệu con, đàn nái nái là 2,7 triệu con. Các cơ sở chăn nuôi đã tái đàn từ tháng 7/2019 và duy trì thường xuyên hoạt động tái đàn của cơ sở chăn nuôi lợn hàng tháng, đảm bảo thường xuyên duy trì được tổng đàn lợn có mặt thường xuyên trong quý I/2020 là ở mức 24-25 triệu con. Nguồn lợn thịt chủ yếu là ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn, những cơ sở có đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Các cơ sở này thường xuyên duy trì việc tái đàn và cung cấp lợn thịt cho thị trường, góp phần ổn định nguồn cung thịt lợn và từng bước đáp ứng tương đối đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Chăn nuôi lợn gắn với an toàn sinh học cao sẽ là giải pháp hữu hiệu và từng bước thay thế cho hình thức chăn nuôi nông hộ |
Tuy nhiên, nhiều địa phương còn e ngại và thận trọng với công tác tái đàn nên chủ trương và các biện pháp kỹ thuật mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo chưa được triển khai triệt để, có nhiều địa phương đến thời điểm hiện nay vẫn chưa ký thông qua kế hoạch tái đàn, một số địa phương dù đã hết dịch chưa công bố hết dịch để thực hiện việc tái đàn. Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: “Đây là một trong những nguyên do phát sinh thêm vấn đề thiếu hụt nguồn cung lợn thịt cho thời điểm các tháng cuối năm 2019 và quý I/2020”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên cả nước hiện còn nhiều hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ, mức độ an toàn sinh học thấp, với quy trình chăn nuôi còn nhiều bất cập. Do đó, đã dẫn đến những độ trễ nhất định trong quá trình tái đàn phục hồi chăn nuôi lợn để đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước khi mà người tiêu dùng Việt Nam sử dụng gần 70% lượng thực phẩm là thịt lợn trong bữa ăn thường ngày. Ngoài ra, việc nâng cấp an toàn sinh học ở quy mô nông hộ đối với chăn nuôi lợn phải đi kèm theo đầu tư cho hệ thống chuồng trại, tiêu độc khử trùng và cải tiến quy trình chăn nuôi gắn với an toàn sinh học, nên việc tái đàn và hồi phục chăn nuôi theo phương thức này còn nhiều khó khăn và vẫn còn chậm. Trong khi đó, công suất chăn nuôi lợn ở hình thức chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp đã đạt mức cao nhưng chưa thể nhanh chóng có thể bù đắp ngay được lượng thịt lợn thiếu hụt từ các nông hộ.
Nhằm ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng lợn thịt để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông mặt hàng thực phẩm, nhất là lợn thịt và lợn giống giữa các vùng, tạo điều kiện để các hộ giết mổ nhỏ lẻ được tiếp cận với nguồn lợn thịt thông qua các điểm mở bán lợn thịt công khai có kiểm soát an toàn dịch tại các huyện thị”.
Cũng theo ông Dương, thời gian tới đây phải duy trì ổn định và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học để chủ động nguồn cung thực phẩm. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi lớn có điều kiện đảm bảo an toàn sinh học được tái đàn và phát triển hết công suất đàn lợn tại địa phương. Những địa phương đã hết dịch khi đủ điều kiện cần công bố hết dịch để có thể tái đàn lợn kịp thời, duy trì phát triển sản xuất. “Cần tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành hàng, gắn với xây dựng các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã định danh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Đối với giống lợn, Việt Nam cần nhập khẩu các giống mới trong bộ giống lợn ngoại (Yorkshire, Landrace; Duroc, Pietrain...) làm tươi máu hoặc làm nguyên liệu tạo tổ hợp lai mới tiến bộ kỹ thuật. Đồng thời, quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, không sử dụng con thương phẩm làm giống bố mẹ, bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống.
Dự báo tình hình chăn nuôi lợn, ông Dương cho biết: “Chăn nuôi lợn gắn với an toàn sinh học ở mức độ cao sẽ là giải pháp hữu hiệu cho người chăn nuôi trong giai đoạn này, và với thế mạnh vượt trội, nó sẽ từng bước thay thế cho hình thức chăn nuôi nông hộ về cả đầu con, sản lượng. Muốn tiếp tục chăn nuôi lợn, hộ chăn nuôi cần phải đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với sử dụng các chế phẩm sinh học để bổ sung”.