Ngân hàng gỡ khó cho người nuôi lợn bị dịch
Các ngân hàng đã cho vay hỗ trợ người chăn nuôi lợn 357 tỷ đồng | |
Sóng gió với giá lợn | |
Gia hạn nợ cho khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn |
Ảnh minh họa |
Đã cơ cấu nợ gần 30 tỷ đồng
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Củ Chi, bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua đã xảy ra ở 20 xã và thị trấn; toàn huyện có khoảng 258 hộ dân có lợn bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy trên 23.200 con với tổng trọng lượng ước khoảng trên 1.100 tấn. Số tiền ngân sách dự kiến hỗ trợ cho người dân là khoảng hơn 30,1 tỷ đồng.
Trong số 258 hộ dân bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Củ Chi, hiện có 18 hộ vay vốn theo Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị giai đoạn 2017-2020 của UBND TP.HCM. Đến nay, số tiền các hộ dân còn nợ của các ngân hàng khoảng 13,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hộ dân và doanh nghiệp vay vốn chăn nuôi lợn theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ cũng bị thiệt hại do dịch bệnh với dư nợ khoảng 16,1 tỷ đồng.
Ở quy mô toàn TP.HCM, theo báo cáo của các NHTM trên địa bàn, tính đến cuối tháng 10/2019, các ngân hàng đã cho vay gần 29.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực đầu tư chăn nuôi lợn. Nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn (25.400 tỷ đồng) đối với các hộ nông dân.
Trong thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 12 quận, huyện ở TP.HCM, gây ra thiệt hại khá lớn đối với các hộ dân chăn nuôi. Tuy nhiên, theo thống kê của các NHTM, số dư nợ bị thiệt hại do dịch bệnh tại địa bàn TP.HCM chỉ chiếm hơn 10% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này, tương đương khoảng 29,8 tỷ đồng. Hiện dư nợ bị thiệt hại này đã được Agribank chi nhánh Củ Chi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho người dân.
Vận dụng tối đa pháp lý để hỗ trợ
Theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, hiện nay, các hộ dân nuôi lợn có vay vốn theo Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị của UBND TP.HCM có nhu cầu được các TCTD hỗ trợ khoanh, giãn nợ là rất lớn.
Bởi khi vay vốn các hộ dân được ngân sách TP.HCM hỗ trợ một phần lãi suất, nhưng sau khi đàn lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy thì nguồn ngân sách TP.HCM sẽ không hỗ trợ nữa (do chính sách hỗ trợ một lần). Các hộ dân một mặt bị thiệt hại về đàn lợn, mặt khác bị tăng thêm lãi suất trả hàng tháng cho các NHTM. Do vậy, khó khăn càng thêm khó khăn và áp lực trả nợ mỗi ngày mỗi lớn.
Đối với các hộ dân, doanh nghiệp khác, dù không vay vốn ưu đãi lãi suất theo Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị, nhưng sau khi bị dịch bệnh, phải tiêu hủy đàn lợn cũng lâm vào cảnh khó khăn do trong quá trình chăn nuôi, phần lớn nguồn vốn đầu tư chuồng trại, giống và tiền mua thức ăn đều sử dụng vốn vay từ các TCTD. Nay nếu không được các ngân hàng hỗ trợ thì sẽ rất khó để tái đàn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về phía UBND huyện Củ Chi, ông Đức kiến nghị NHNN chi nhánh TP.HCM nghiên cứu chỉ đạo các NHTM có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất phù hợp để hỗ trợ người chăn nuôi. Cụ thể, phía ngân hàng có thể căn cứ vào các quy định tại Nghị định 55/2015 của Chính phủ và Công văn 5169/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét khoanh, giãn nợ cho người dân.
Đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi là việc làm cần thiết và NHNN Việt Nam thời gian qua cũng đã có Văn bản số 1901 chỉ đạo toàn hệ thống TCTD tập trung các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh này.
Về biện pháp khoanh nợ theo quy định hiện hành để các TCTD có thể triển khai khoanh nợ được cho khách hàng, thì phía địa phương phải có văn bản thông báo tình hình dịch bệnh và phối hợp với Bộ Tài chính để xác định thiệt hại do dịch bệnh. Do vậy, việc khoanh nợ không tính lãi đối với phần dư nợ bị thiệt hại cần phải cân nhắc, đáp ứng các yêu cầu về pháp lý.
Tuy nhiên, để tích cực hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, NHNN chi nhánh TP.HCM yêu cầu tất cả các NHTM tập trung nghiên cứu, thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN tại văn bản số 1901. Theo đó, các chi nhánh, phòng giao dịch của các NHTM cần chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng linh hoạt các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ; xem xét miễn giảm một phần lãi suất vay; xem xét tiếp tục cho vay mới để người dân tái đàn sau thời gian dịch bệnh.
Theo đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM, trong tuần tới đơn vị sẽ có văn bản thông báo trực tiếp đến hệ thống NHTM trên địa bàn để khuyến khích các đơn vị chủ động kết hợp, vận dụng tối đa những quy định của pháp luật hiện hành nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng.
NHNN chi nhánh TP.HCM cũng sẽ tổng hợp các kiến nghị của UBND huyện Củ Chi và các TCTD đang cho vay lĩnh vực chăn nuôi để báo cáo UBND TP.HCM nhằm tháo gỡ những vướng mắc gặp phải trong quá trình hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Từ đó, nâng cao hiệu quả hỗ trợ khách hàng trong quan hệ tín dụng khi gặp phải các rủi ro, thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng.