Phát triển đào tạo nghề: Thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên
Đào tạo nghề: Đặt trọng xã hội hóa | |
78 triệu USD cải thiện chất lượng đào tạo nghề | |
Đào tạo nghệ thuật theo đơn đặt hàng |
Đảng và Nhà nước ta luôn coi "phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu","đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển". Trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - vừa là thời cơ vừa là thách thức buộc giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp - hiệu quả nhân đôi |
Tuy xác định phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp là định hướng quan trọng, mang tính đột phá về chất lượng GDNN nhưng đến nay, việc liên kết này còn khá lỏng lẻo. Dường như GDNN vẫn bị tách khỏi hệ thống giáo dục quốc dân do những bất cập về chính sách đầu tư, về tư duy quản lý khiến các cơ sở GDNN rơi vào tình trạng phải tham gia cuộc đua không công bằng. Đây là những vấn đề được bàn thảo, trao đổi sôi nổi tại Hội thảo Giáo dục 2019, gắn với công tác hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh CMCN 4.0 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN, trong đó: 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm GDNN, giảm 37 cơ sở so với năm 2018. Dự kiến hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở, trong đó các cơ sở GDNN công lập giảm 4,92% so với năm 2018. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở GDNN. Bên cạnh điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN (chương trình đào tạo, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo) ngày một được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đã bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; cơ chế phối hợp 3 bên: nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp đã hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn ở nhiều nơi.
Song, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, do nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ nên hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN chưa cao; dẫn đến những bất cập về phân bố mạng lưới cơ sở GDNN giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo. Việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông không đạt mục tiêu đề ra...
Đào tạo nghề rất quan trọng với mỗi quốc gia khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều nhà máy sản xuất dịch chuyển sang Việt Nam. Thêm nữa, CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi bản chất nhiều loại hình công việc, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức với người lao động. Do đó, lao động Việt Nam rất cần phải được đào tạo nghề, bao gồm cả trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm cũng phải được nâng cao, tăng khả năng làm chủ các phương tiên máy móc, công nghệ, bà Wendy Cunningham - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều lao động Việt Nam hiện chưa sẵn sàng cho việc gia nhập chuỗi cung ứng lao động toàn cầu bởi trình độ nghề và năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp, có tới 67% lao động trẻ có trình độ trung học cơ sở trở xuống. Điều này đồng nghĩa hệ thống giáo dục nghề tại Việt Nam không hiệu quả, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực. "Xu thế hiện đại hóa GDNN trên thế giới hiện nay là GDNN không phải là tiếp nối chương trình giáo dục chính thống. GDNN được coi là cầu nối giữa nhà trường và việc làm, tăng cường việc nhân rộng kinh nghiệm làm việc", bà Wendy Cunningham khuyến nghị.
Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapo… luôn chú trọng đào tạo nghề từ rất sớm cho học sinh, coi đó là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động, giúp giới trẻ sớm ổn định cuộc sống, là nền tảng vững chắc để công dân trẻ nhanh chóng thành công với chính đam mê của mình.
Với “Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030”, dự kiến thời gian tới, mạng lưới các cơ sở GDNN ở nước ta sẽ được tổ chức, sắp xếp lại để được đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phân tầng rõ ràng. Tầng cơ sở GDNN chất lượng cao sẽ được Nhà nước đầu tư trọng điểm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà bổ sung thêm.