Đào tạo nghệ thuật theo đơn đặt hàng
Thiếu vắng trầm trọng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng trống từ đầu vào và đầu ra của một số chuyên ngành nghệ thuật đang ngày một trở nên “thênh thang”. Nhiều ngành không chỉ hẹp đầu vào mà còn thiếu đầu ra như diễn viên múa rối, cải lương, chèo, tuồng, lý luận phê bình sân khấu, biên kịch sân khấu, thậm chí cả ngành văn chương. Rất nhiều cơ sở “đói” thí sinh, đến nỗi nhà trường phải gửi công văn về một số trường THPT ở các tỉnh, thành để tư vấn, hướng dẫn và chiêu sinh.
Cảnh trong vở Nắng Chiều (Sân khấu Quốc Thảo, TP. Hồ Chí Minh) |
Như khoa Văn học, báo chí thuộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Trong đó trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam phải đến hơn 170 trường THPT trong cả nước để tuyển mộ, nhưng năm 2018 mới chỉ được vài chục học viên.
Tại trường Cao đẳng Múa Việt Nam, việc tuyển sinh khá khó khăn, dù nhà trường đã rất linh động, tổ chức vòng sơ tuyển trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, nhưng mỗi năm cũng chỉ tuyển được vài chục em. Có năm còn phải “vớt” thí sinh để có thêm người học.
Thống kê của Sở Văn hóa -Thể thao Hà Nội cho thấy, ở các đơn vị nghệ thuật hiện nay, số diễn viên, cán bộ dưới tuổi 30 rất ít, chỉ chiếm khoảng 8%. Điều đó cho thấy nghịch lý của sân khấu là vừa thiếu và vừa khó tuyển thêm người trẻ.
Vì sao có nghịch lý này, theo nhiều chuyên gia, do hoạt động của các nhà hát gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị đang phải đối mặt với bài toán tự chủ về tài chính, trong khi đó lại luôn thiếu hụt các suất diễn, nhiều đêm diễn tổ chức công phu nhưng lại thiếu khán giả. Các diễn viên lại phải căng mình, phân tán tâm trí vào những công việc “tay ngang” để kiếm sống, hoặc làm thêm kiểu “hợp đồng đánh quả”. Song không phải ai cũng có khả năng làm thế, ví như việc làm thêm cho diễn viên múa, xiếc, kịch hát là vô cùng gian nan.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, bao gồm: 2 học viện, 7 trường đại học, 4 trường cao đẳng, hai trường trung cấp và một viện nghiên cứu. Các chuyên ngành đào tạo khá đa dạng, nhưng tuyển chọn năng khiếu khắt khe, quy mô nhỏ, chi phí đào tạo cao, quá trình đào tạo kéo dài… Xuất phát từ những bất cập này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Chính phủ.
Hiện được biết, Nhà nước sẽ cấp kinh phí để đào tạo khoảng 300 sinh viên thuộc các ngành, chuyên ngành: sáng tác âm nhạc, lý thuyết âm nhạc, chỉ huy hợp xướng, hội họa, điêu khắc, biểu diễn kịch múa, biểu diễn múa dân gian, biểu diễn chèo, tuồng, cải lương, ca kịch Huế, kịch nói, xiếc và tạp kỹ... Năm 2014, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đã được phép đào tạo diễn viên và nhạc công kịch hát truyền thống với mức giảm 70% học phí.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho rằng, việc đào tạo đã đạt những kết quả nhất định. Phải nói rằng, đào tạo văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù và cần có cách ứng xử phù hợp riêng. Thậm chí tại các khoa văn, nhiều người thủ khoa và đầu vào, cả tốt nghiệp nhưng lại không theo được công việc nghiên cứu và sáng tác văn chương.
Mới đây, Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các sinh viên được tuyển chọn sẽ được đào tạo tập trung ở trong nước hoặc liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật quốc tế có uy tín, tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành…
Đào tạo, bồi dưỡng, bảo tồn những ngành nghệ thuật truyền thống đặc thù là điều mà nhiều cơ quan chức năng, các nghệ sĩ đã tính đến, song không không hề dễ dàng. NSND Lệ Ngọc cho rằng, cần phải xã hội hóa và đổi mới tư duy cho mỗi nhà hát, để nghệ sĩ có đời sống ổn định. Khi nhà hát phát triển thì các cơ sở đào tạo cũng “dễ thở” hơn.
Đạo diễn Quốc Thảo, Giám đốc sân khấu Quốc Thảo (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Xã hội hóa là phương án tốt nhất hiện nay để sân khấu tồn tại. Xu hướng này diễn ra mạnh ở phía Nam, các sân khấu đều rất năng động, tạo cho mọi người tinh thần tự thân vận động để tồn tại. Nó đang theo quy luật của thị trường. Còn các sân khấu phía Bắc vẫn đang theo mô hình bao cấp, làm cho sự năng động bị kiềm chế. Tôi rất thích sự cạnh tranh để các sân khấu tồn tại và phát triển”.
Còn NSND Xuân Hợi (Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tỉnh Bình Định) thì chia sẻ: “Cần nhiều đơn đặt hàng trong đào tạo nghệ thuật, kể cả ở cấp tỉnh và thu hút nhiều diễn viên trẻ say mê nghề. Theo đó, các diễn viên cũng cần học hỏi, lĩnh hội tốt hơn các ngón nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống. Đồng thời, trong khi chờ xã hội hóa thì mỗi thành viên của các nhà hát cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong từng vở diễn để thu hút khán giả”.