Phát triển du lịch, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế số
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch
Trả lời chất vấn đại biểu Ngọc Sơn (Hải Dương) về giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch, Thủ tướng cho biết, tài nguyên du lịch của đất nước ta rất phong phú về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt có chiều dài bờ biển trên 3.000 km trải dài từ Bắc đến Nam; người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động, đấy là những lợi thế của ngành du lịch chúng ta. Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng đã có. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy một thực tế là ngành du lịch của chúng ta cũng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cũng như mong đợi của đồng bào, cử tri cả nước.
Nguyên nhân liên quan đến vấn đề về chính sách, về thể chế, về lãnh đạo, chỉ đạo về nguồn nhân lực, bố trí quy hoạch, phát triển ngành này, là ngành mới nhưng có tính hội nhập cao nên sẽ có những vướng mắc, khó khăn, tức có cả chủ quan và khách quan nhưng theo tôi chủ quan là chính.
Đề cập đến một số giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng về ngành du lịch, là một ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó là thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương này bằng các luật pháp và Quốc hội cũng có ban hành luật pháp. Chính phủ cũng có các nghị định, các Bộ có các thông tư liên quan. Tóm lại chúng ta phải triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Chúng ta phải tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển. Phải có nguồn lực cho hạ tầng du lịch, phải có nguồn nhân lực đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây là một ngành kinh tế tương đối tổng hợp do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành”, Thủ tướng cho biết.
Khắc phục hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, phát triển kinh tế số
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nhiệm kỳ này Chính phủ trình thực hiện hiện thí điểm có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ và có thể tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hay cơ chế xin cho. Thủ tướng cho biết: Đúng là vừa qua chúng ta cũng trình các cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành. Đây cũng là một thực tiễn, một yêu cầu khách quan. Là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, hội nhập cao, độ mở cao, khả năng chống chịu với các chính sách bên ngoài còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới, tình hình thực tiễn của đất nước ta cũng thay đổi rất nhanh. Vì vậy mọi văn bản, mọi quy định có cái theo kịp, sát thực tế và có cái thì chưa mà quy trình xây dựng pháp luật cũng còn tốn nhiều thời gian, công sức.
Bổ sung thêm phần trả ời của Bộ trưởng Bộ tư pháp, Thủ tướng cho biết, việc này chúng ta làm là có cơ sở chính trị. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều có một tinh thần là những cái gì đã rõ, đã chín được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. Cái gì chưa rõ, chưa chín hoặc có luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc là chưa có luật pháp thì chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này.
Cơ sở thực tiễn vừa qua chúng ta đã ban hành một số nghị quyết như Nghị quyết 30 của Quốc hội rất kịp thời hay là một số nghị quyết thí điểm cho các địa phương cũng đang có hiệu quả. Như vậy chúng ta có cả cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có điều chỉnh cho phù hợp. Sắp tới chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của các cơ quan có liên quan cũng như các vị đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất.
Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương
Trả lời đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết về chính sách tiền lương từ ngày ngày 01/7/2024 và thời gian tới cần tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp gì, Thủ tướng cho biết, tiền lương là một vấn đề mà chúng ta luôn luôn quan tâm, đại biểu Quốc hội quan tâm, cử tri quan tâm. Tiền lương mang lại tái sức lao động nhưng là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động để tham gia các hoạt động của mình, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ trương, đường lối của Đảng cũng đã có, Nghị quyết 27 của khóa trước đã ban hành, nhưng vừa qua chúng ta chưa thực hiện được vì nguồn lực còn khó khăn, vừa qua lại có đại dịch COVID, tình hình trong nước, ngoài nước tác động. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản, chúng ta hiện nay có khoảng 560.000 tỷ để chi cho cải cách tiền lương và bắt đầu từ ngày 01/7 này đến hết năm 2026. Song song với cải cách tiền lương trong khu vực của Nhà nước chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp, đã tiệm cận với nhau.
Sắp tới, chúng ta tiếp tục. Một là chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm. Hai là tinh giản biên chế gắn với lại hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động. Như vậy, chúng ta phải thực hiện cả lương cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước, hai chính sách này sẽ tiệm cận đến nhau theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương. Bên cạnh đó, chúng ta phải tuyên truyền, phải làm các công tác liên quan đến một loạt vấn đề khác, như đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời chất vấn.
Đẩy mạnh phát triển, công nghệ số, kinh tế số
Về phát triển công nghệ số, Thủ tướng cho biết, hiện nay trong kinh tế số chúng ta đang đề ra là tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm và chúng ta đang thực hiện như vậy. Kinh tế số năm 2023 đạt được 17%, năm 2024 chúng ta dự kiến đạt khoảng 20%, nếu đạt được 20% như vậy là chúng ta về đích trước 1 năm, tức là năm 2025 mục tiêu của chúng ta đề ra như vậy.
Chính phủ cũng đã ban hành, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược về kinh tế số, xã hội số và công dân số, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là một xu thế, một phong trào không thể không tham gia và cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Vì vậy, chúng ta phải bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng số. Đặc biệt quan trọng là phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Năm 2023 gọi là năm dữ liệu số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các ngành, các cấp để chúng ta tiến hành chuyển đổi số trong nền kinh tế của chúng ta…
Về việc phân cấp, phân quyền hiện nay như thế nào, nguyên nhân và giải pháp, Thủ tướng cho biết, chủ trương đã rất rõ. Chúng ta phải tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp. Nguyên lý, tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận là như vậy. Chính quyền của chúng ta có chính quyền trung ương, chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã, ngoài ra còn có các các cơ quan gọi là cánh tay nối dài. Như vậy việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng để chúng ta tăng tính linh hoạt, sáng tạo đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy việc phân cấp phân quyền, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân. Về giải pháp, Thủ tướng cho biết, chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, các cấp cũng phải mạnh dạn để thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy. |