Phim Việt đầu năm: Ồn ào và lặng lẽ
Lận đận phim Việt đầu năm |
Theo số liệu từ Box Office Vietnam (đơn vị quan sát độc lập), tính đến sáng 23/2, bộ phim “Mai” đạt doanh thu hơn 422 tỷ đồng. Với tốc độ trung bình mỗi ngày doanh thu tăng khoảng hơn 30 tỷ đồng, phim đang tiến sát với cộc mốc 475 tỷ đồng - kỷ lục trước đó “Nhà bà Nữ” từng xác lập về phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt. Doanh thu khủng mà “Mai” mang lại còn giúp Trấn Thành trở thành đạo diễn đầu tiên có tổng doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đồng thời có 3 dự án phim vượt mốc 400 tỷ đồng doanh thu. Bản thân nam MC đang nắm trong tay 3 phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt, bỏ xa các đối thủ khác.
Cũng xin nói rõ, “Mai” chính thức ra rạp ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn (tức ngày 10/2/2024). Và ngay sau đó bộ phim này đã chinh phục một lượng khán giả lớn. Kể từ ngày công chiếu đến nay, phim luôn đứng top 1 phòng vé, bỏ xa doanh thu bộ phim Việt công chiếu trong cùng mùa tết 2024 là “Gặp lại chị bầu” và hàng loạt phim nước ngoài như “Gia đình x Điệp viên mã: Trắng”, “Madame Web”, “Cún cưng đại náo nhà hát”...
Phim “Mai” dài 131 phút, thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, với nhân vật chính là Mai (do Phương Anh Đào thể hiện) tình cờ quen và yêu chàng trai trẻ lãng tử Dương (Tuấn Trần). Cả hai vượt qua bao định kiến xã hội để tìm kiếm hạnh phúc nhưng rồi mọi chuyện đã trở thành kỷ niệm đẹp… Bộ phim “Mai” làm khán giả phải thổn thức do "chạm" được vào trái tim, nơi mà mỗi người đều cảm thấy góc khuất của chính mình hay người thân phảng phất trong câu chuyện cuộc đời Mai - một cô gái làm nghề massage có trái tim muốn yêu và được yêu, phải chống chọi với nghịch cảnh để tìm ra hạnh phúc cho đời mình. Trong phim, bên cạnh câu chuyện tình yêu chênh lệch giàu - nghèo, tuổi tác, phim còn đề cập mâu thuẫn gia đình, lối sống soi mói, ghen tị nhau... Phim cũng được khen về hình ảnh đầu tư chỉn chu, nhiều góc máy nghệ thuật.
Một bộ phim khác cũng được nhắc tới rất nhiều trong những ngày qua, đó là “Đào, phở và piano”. Đây là bộ phim do Cục Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL đặt hàng, Công ty cổ phần Phim truyện 1 sản xuất. Dự án được đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản và chỉ đạo thực hiện với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng. Sau 10 ngày khởi chiếu, bộ phim “Đào, phở và piano” có lượng đặt vé tăng đột biến.
“Đào, phở và piano” là bộ phim tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa. Bộ phim kể về mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), về người họa sĩ già (NSƯT Trần Lực) luôn ấp ủ về một bức tranh để đời, về vị cha xứ (NSND Trung Hiếu) muốn lánh đời nhưng vẫn vun vén cho sự sống khi tổ chức hôn lễ cho cặp đôi và vợ chồng ông hàng phở (Anh Tuấn và Nguyệt Hằng) trong cảnh thiếu thốn vẫn muốn làm bát phở thật đủ vị. Trận chiến gần kề, nhưng từng người dân Thủ đô vẫn hiện lên với vẻ đẹp giản dị, yêu nước, cốt cách hào hoa, phong nhã. Họ yêu cuộc sống, nhưng đầy quả cảm và sẵn sàng hy sinh để gìn giữ mảnh đất quê hương.
Cảnh trong phim “Mai” |
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, "Đào, phở và piano" cùng với "Hồng Hà nữ sĩ" và 6 phim hoạt hình khác là những phim đầu tiên trong dự án thí điểm khai thác chiếu rạp thương mại đối với phim Nhà nước đầu tư kinh phí của Bộ VH,TT&DL. Cục Điện ảnh đã đề xuất với Bộ VH,TT&DL về việc phát hành “Đào, phở và piano” trên toàn quốc.
Những bộ phim Việt Nam, hàm chứa những giá trị văn hóa của Việt Nam, được phát hành rộng rãi, được khán giả đón nhận nhiệt tình càng thể hiện điện ảnh Việt đã đi đúng hướng trong tiếp cận được khán giả và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần tích cực vào phát triển Chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Nhưng vì sao bộ phim lại bất ngờ tạo nên “cơn sốt”? Liệu đó có phải là sự chủ động truyền thông của những người trong cuộc? Theo tìm hiểu của chúng tôi, bộ phim "Đào, phở và piano" ban đầu có xuất chiếu hạn chế (2-3 suất mỗi ngày) nhưng sau khi được một Tiktoker đi xem phim và giới thiệu, bộ phim đã được đông đảo giới trẻ săn vé khiến Trung tâm Chiếu phim quốc gia phải tăng suất chiếu. Trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia vì thế cũng liên tục bị sập trước nhu cầu “săn vé” trực tuyến.
Trái ngược với 2 bộ phim trên, nhiều dự án điện ảnh khác ra mắt đầu năm rơi vào cảnh lặng lẽ. Cũng ra rạp vào ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn như “Mai”, nhưng bộ phim “Trà” (đạo diễn Lê Hoàng) chỉ trụ được tại các cụm rạp trong ít ngày, trước khi có thông báo phải dừng chiếu và chỉ đạt doanh thu hết sức khiêm tốn 1,6 tỷ đồng. Lý do bộ phim thất thu, ngoài vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ “Mai” thì chất lượng phim cũng nhận nhiều đánh giá tiêu cực. Nhiều người cho rằng các cảnh nóng trong phim điện ảnh “Trà” là quá phản cảm, không thể hiện tính nghệ thuật cần có trong một bộ phim.
Trong khi đó, phim “Sáng đèn” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) thu về con số còn khiêm tốn là gần 700 triệu đồng với 448 suất chiếu. Theo kế hoạch, bộ phim sẽ quay trở lại với khán giả vào 22/3 tới. Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cũng thừa nhận, vì nhiều yếu tố mà phim phải dời lịch để có thời gian quảng bá cho tác phẩm tốt hơn.
Lâu nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng khán giả “bỏ rơi” điện ảnh, thậm chí, nặng lời hơn, có ý kiến bình luận cho rằng, người Việt không có thói quen mua vé đến rạp xem phim. Tuy vậy, từ mùa phim đầu xuân năm nay, cho thấy nếu phim nào chạm tới cảm xúc khán giả, thì khán giả sẽ mua vé. Còn không, những bộ phim nặng nề, khai thác những yếu tố phản cảm và đặc biệt, không có sự sáng tạo, hoặc kể những câu chuyện xa vời với cuộc sống thì sẽ nhanh chóng phải rời cuộc đua phòng vé. Điều này, cho thấy tài năng và khả năng nắm bắt thị hiếu của biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất là vô cùng quan trọng.