Phố của ba làng
Tất nhiên giờ ba làng Đông Môn, Kim Bài và Cổ Vũ tạo nên phố đã lu mờ theo thời gian. Nhưng di tích còn lại duy nhất đánh dấu hình ảnh trên con đường quê của hai thôn Kim Bài và Cổ Vũ là chùa Kim Cổ (số nhà 73). Đây là nơi thờ bà Vương phi Ỷ Lan, mẹ của vua Lý Nhân Tông (1072-1128). Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Hồng (ở số 3 Đường Thành) cho biết từ ngày Pháp xây rạp chiếu bóng Olympic (nay là rạp hát Hồng Hà) ở số nhà 51 đối diện với chợ Hàng Da thì đường phố càng sầm uất. Ông còn cho biết sau khi Pháp phá thành (1888), cô Tư Hồng là người thầu vụ này đã xây một dẫy nhà cho thuê ở ngay góc phố Đường Thành. Sau này lại thêm ông Tuần phủ Hoàng Thụy Chi (1882-1936) cũng về mua đất xây biệt thự tại số nhà 14A. Ngôi biệt thự của ông tuần phủ này kéo dài thông sang cả phố Nguyễn Quang Bích (xây năm 1921). Từ đó phố Đường Thành xuất hiện những kiến trúc lớn và một số hàng vàng bạc sang trọng. Cảnh tượng phố phường lộng lẫy dưới ánh đèn điện về đêm. Ngôi biệt thự của ông Tuần phủ một thời luôn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông bởi sự kết hợp kiến trúc đông tây kim cổ rất kỳ thú.
Một góc phố Đường Thành năm 1995 |
Đường Thành là con phố cắt ngang các phố Ngõ Trạm, Hàng Da, Hà Trung, Hàng Điếu và Nguyễn Văn Tố (tạo nút giao thông ngã sáu phố chợ) nên có sức thu hút khách thập phương dồn về. Còn phía trước là chợ Hàng Da với quảng trường rộng lớn chuyên giữ xe của người đến xem phim hoặc đi chợ. Phố nhộn nhịp tới sáng rồi mọi người lại vào phiên chợ. Đường Thành kéo dài tới phố Cửa Đông tiếp giáp với phố Phùng Hưng, nơi có đường tàu đi qua hú còi inh ỏi. Hơn nữa mấy nhà đầu phố lại nằm giáp phía sau nhà tang lễ Phùng Hưng nên lắm khi phố Đường Thành còn văng vẳng tiếng khóc than râm ran về đêm khuya. Điều kỳ thú nhất là sau cái xô bồ nhốn nháo của phố chợ, đầu phố Đường Thành còn lại một công viên nhỏ (chừng 300 mét vuông). Có thể nói đây là một rừng cây cổ thụ thì đúng hơn. Hơn chục cây xanh cao lớn xum xuê xanh mát quanh năm. Cuối công viên có cây đa cổ bung tán rợp cả hai góc đường Đường Thành và Phùng Hưng. Ngôi nhà mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng ở số 3 đối diện với vườn cây này. Căn hộ ông ở gác hai nhìn xuống công viên. Ông thường tụ tập bạn bè trà thuốc bên ban công và ngắm vườn cây xanh cùng đàn chim sẻ ríu rít kiếm mồi.
Nghệ sĩ Trần Hồng còn cho biết lớp tường chính thành phía trong dành một phần làm con đường sắt cho tàu hỏa đi lên ga cầu Long Biên. Hai trụ cầu đường cho tàu hỏa trên cao băng qua phố Cửa Đông chính là cổng thành cũ. Ngã tư này trở thành nút giao thông đầu phố Đường Thành với đường Phùng Hưng và phố Cửa Đông. Khu đất tam giác đầu phố ngã ba này được dành xây một công viên cây xanh. Hiện công viên vẫn còn bảo tồn cây đa cổ hơn trăm tuổi từ thưở ban đầu lập phố. Đặc biệt dọc bên vườn hoa là dẫy nhà số chẵn có một số biệt thự được giữ nguyên hiện trạng tạo nên dáng vóc của một phố tây hiện đại. Độc đáo nhất có lẽ là biệt thự của ông Tuần phủ Hoàng Thụy Chi (1882-1936) ở số nhà 14A. Diện tích đất tới ngàn mét vuông kéo dài sang cả phố Nguyễn Quang Bích phía sau. Nên biệt thự có hai cổng ra vào rất khang trang với khu vườn cây luôn nở hoa quanh năm. Cho dù cảnh quan đã bị phá vỡ vì thời cuộc tao loạn hơn 100 năm qua nhưng riêng ngôi biệt thự này vẫn được gìn giữ. Cổng vào biệt thự từ số nhà 14A cũng là một dấu tích kỳ thú hiển hiện đây là một di tích nghệ thuật kiến trúc kết hợp đông tây lạ mắt.
Nhưng dấu ấn văn hóa sâu sắc gắn với ngôi biệt thự của Tuần phủ Hoàng Thụy Chi lại nằm ở sự nghiệp của ông. Cùng với đó là nền giáo dục của bốn đời dòng tộc sống và lớn lên ở ngôi nhà này. Cụ phủ Tuần Chi còn là một học giả uyên bác, đã để lại một khó tàng sách nghiên cứu Hán-Nôm (49 cuốn). Đồng thời cụ còn sáng tác và sưu tầm hàng chục công trình về ca dao tục ngữ, phú, ký…Đáng chú ý con cháu cụ đều là những tài năng thành đạt. Thế hệ nào cũng có những tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng trong giới khoa học ở nước ta. Đến nay các con, cháu, chắt của cụ Tuần Chi vẫn còn sống ở ngôi nhà này.
Trước kia Đường Thành tuy là con hào kéo dài chạy ven thành cổ nhưng cũng là lá chắn phía sau cho con chợ Đông Thành cổ kính (sau bị Pháp dồn lập thành chợ Đồng Xuân). Dấu tích còn đó với câu ca: “Hàng Bông, Hàng Nón, Hàng Da/ Qua Nguyễn Văn Tố thì ra Bát Đàn”. Những phố này đều cắt ngang hay giao nối với Đường Thành. Chính vì thế Đường Thành là trung tâm phố chợ. Dân gian vẫn còn ghi: “Chợ Đuổi họp lúc chiều tà/ Chợ Hôm họp sáng…Chợ Hàng Da họp ngày”. Xưa nam thanh nữ tú đi ăn quà vặt quanh chợ Hàng Da suốt ngày vì thế. Họ trêu đùa các học sinh trường Thăng Long (Phố Ngõ Trạm) gần chợ hoặc ghẹo các cô gái gánh hàng hoa rằng: “Ai làm chiếc nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”. Quảng trường Đường Thành và chợ Hàng Da được coi là nơi hội tụ dân kẻ chợ nội thành đông chẳng khác chợ Đồng Xuân. Ấy thế mới có câu: “Quanh đi đến phố Hàng Da/ Trải xem phường phố, thật là cũng xinh/ Phồn hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”.