Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Tăng niềm tin là chìa khóa quan trọng để giải bài toán tăng tín dụng
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc hội thảo |
Tín dụng tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ, trong bối cảnh cơ chế, chính sách không có gì thay đổi. Có thể thấy, nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế khi bối cảnh thế giới và trong nước đều có nhiều biến động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đầu tiên, do cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế đang giảm dẫn đến hàng hóa tồn kho. Cũng vì vậy mà khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp đều trong tình trạng “tồn kho”. Tiếp đến, các chính sách nói chung và đặc biệt một số chính sách có ý nghĩa tác động hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay phần nào còn cầm chừng. Một số chính sách còn hạn chế, chính sách phát triển thị trường, tài khoá, phát triển thị trường… chưa thực sự đồng đều. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng đang không kéo được thị trường vốn ngắn hạn đi cùng, thị trường bất động sản đang trầm lắng khiến tín dụng cũng "im ắng".
Đi sâu vào mối quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng và cả doanh nghiệp với nhau vẫn còn vấn đề về niềm tin. Bản thân các doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt vấn đề minh bạch dòng tiền, minh bạch báo cáo tài chính vẫn là một trong những tồn tại. Vì vậy việc chuyển từ trạng thái cho vay bằng tài sản đảm bảo sang quản lý bằng dòng tiền của ngân hàng gặp khó.
Đối với riêng ngành Ngân hàng, những khó khăn nêu trên cũng đã tác động đến nhiều mặt hoạt động, nhưng NHNN đã tích cực đưa ra các giải pháp có tính khả thi, điều hành và xử lý những vấn đề có tính chất ngắn hạn trước mắt, không để xảy ra câu chuyện doanh nghiệp đổ vỡ, cắt giảm lao động dẫn đến câu chuyện thất nghiệp tăng lên, kéo theo vấn đề xã hội. Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ không phải là cây đũa thần; hay đúng ngay cả khi lãi suất giảm thì cũng chỉ là một công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không thay thế được tất cả những chính sách khác. Nếu quá dựa vào chính sách tiền tệ, trong ngắn hạn có thể giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp, nhưng trong trung và dài hạn, có thể chỉ vài năm sau sẽ bộc lộ bất ổn về nợ xấu, an toàn hệ thống.
Trong thời gian tới, NHNN vẫn nhận thấy trách nhiệm và thể hiện quyết tâm cao nhất, đó là vẫn sẽ sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ mà NHNN có trong tay để điều tiết thị trường, như vấn đề cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo vấn đề tỷ giá. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nhưng phải hài hòa, không thể chỉ vì những mục tiêu trước mắt mà để lại hậu quả dài hạn. Nhưng quan điểm điều hành chính sách, nếu có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Đối với NHTM sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để qua đó có điều kiện hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh những chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt chính sách an sinh xã hội để giải quyết vấn đề tâm lý thị trường và đời sống, đây là giải pháp rất hiệu quả và thiết thực lúc này.
Trong định hướng và điều hành tín dụng thời gian tới, NHNN sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau. Thứ nhất, tiếp tục tập trung vào lĩnh vực kinh tế trọng điểm, trọng tâm, vào các lĩnh vực DNNVV và lĩnh vực cần có sự ưu đãi của Chính phủ. Đây cũng là một trong những cơ hội chuyển đổi cơ cấu tín dụng một cách hợp lý.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục đã được các NHTM đang làm tốt qua việc đẩy mạnh sử dụng công nghệ hiện đại nhưng phải tăng cường hơn nữa. Thứ ba, tiếp tục ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng. Đơn cử như theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng cũng đã tạo điều kiện pháp lý để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến. Điều này chắc chắn sẽ giảm chi phí tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất thông qua giảm bớt được nhiều thủ tục hành chính.
Thứ tư, tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh (nếu có). Đẩy mạnh thực hiện những gói tín dụng đã công bố, như gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm thuỷ sản cũng như các gói NHTM đã công bố; tiếp tục tập trung tín dụng thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội có tính chất ưu tiên ưu đãi.
Thứ năm, NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt tiếp tục hỗ trợ những chính sách tín dụng về vốn trung dài hạn cho đầu tư hạ tầng cơ sở và phối hợp với vốn đầu tư công để xây dựng đường xá giao thông; tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi chuyển từ xuất khẩu qua đẩy mạnh thị trường nội địa…
Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu minh bạch dòng tiền |
NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức, tuy nhiên trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay, để giải quyết bài toán trước mắt, ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau. Về phía ngân hàng, cần tích cực thực hiện các cơ chế, chính sách mà NHNN ban hành. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy khó khăn của nhau, mạnh dạn hơn với những quyết định cho vay khi NHNN đã trao quyền quyết định cho NHTM.
Về phía doanh nghiệp, báo cáo dòng tiền, tài chính cần minh bạch hơn, chia sẻ cùng khó khăn của doanh nghiệp. Để đi được đến điểm chung, hai bên phải có sự phối hợp, hợp tác, tăng niềm tin, chữ tín với nhau. Đó là chìa khoá quan trọng để giải quyết bài toán tăng tín dụng. Mối quan hệ gắn bó, chia sẻ, “cộng sinh” phải từ chính NHTM và doanh nghiệp chứ không ai có thể làm thay được.
Với tất cả những nỗ lực từ nhiều phía nêu trên, chắc chắn tín dụng sẽ ngày một khởi sắc và hỗ trợ cho cả hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp, và tạo nên cú hích cho sự phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Động lực lớn nhất tạo cầu tín dụng là đầu tư công Nhìn vào thị trường thời điểm này, chúng ta thấy rõ, về phía ngân hàng đang thừa nguồn cung nên chủ động tìm kiếm khách hàng và giảm giá. Nhưng nguyên nhân cầu tín dụng yếu do cầu nền kinh tế thực giảm. Thực tế này đòi hỏi phải có biện pháp chính sách thúc đẩy nền kinh tế thực. Cụ thể là tăng nhu cầu hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế. Hiện kinh tế đối ngoại rất khó khăn, xuất nhập khẩu giảm mạnh, phải trông vào thúc đẩy thị trường trong nước mới tăng cầu tín dụng của doanh nghiệp. Từ đó mới thúc đẩy thị trường tín dụng sôi động trở lại. Song, nếu nhìn vào kinh tế thực hiện nay thì động lực lớn nhất tạo cầu tín dụng có lẽ là đầu tư công bởi cầu vốn rất lớn. Tôi cho rằng, chúng ta cần dùng nhiều hơn biện pháp thị trường, gắn nền kinh tế thực với thị trường tài chính, tín dụng. Quay lại câu chuyện thị trường, khi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp yếu kém chấp nhận ra khỏi chợ để doanh nghiệp tốt có cơ hội mở rộng phát triển. Lúc này, theo tôi, M&A có vai trò quan trọng. Nếu ngân hàng có dịch vụ tư vấn doanh nghiệp khỏe mua lại doanh nghiệp yếu là điều tốt, bởi sẽ tạo nhu cầu tín dụng. Hiện nay ở Việt Nam mảng ngân hàng đầu tư vẫn còn chưa phát triển. Đây là điều các ngân hàng cân nhắc mở rộng thời gian tới. Ngoài ra, các ngân hàng có thể cân nhắc xem xét cho vay dự án có vòng đời dài nhưng có dòng tiền ổn định thay vì phần lớn chỉ cho vay doanh nghiệp ở kỳ hạn 7 năm như hiện tại. |