Phòng, chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn
Toàn cảnh phiên họp |
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 06 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, liên quan tới 09 lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nội vụ; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cơ bản bám sát các nội dung trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã khái quát được những kết quả, thành tựu, chỉ ra một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, xác định rõ các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, báo cáo của một số cơ quan gửi còn chậm so với yêu cầu; ở một số lĩnh vực, nội dung trong báo cáo chủ yếu liệt kê các công việc đã triển khai, chưa có đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả, cũng như chưa thực sự chuyển biến rõ nét trong triển khai các yêu cầu, giải pháp đã được nêu trong nghị quyết; chưa nêu rõ được những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện; một số tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo còn chung chung, thiếu cụ thể.
Về kết quả đạt được đối với lĩnh vực công thương, ông Cường cho biết, nhiều đề án về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng được phê duyệt. Giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá thế giới; nguồn cung xăng, dầu cơ bản được bảo đảm. Đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu; chống: nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng. Hệ thống cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu quan trọng và một số thị trường mới. Các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai; thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030 và Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các rào cản kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được tập trung giải quyết để mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước. Hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản tiếp tục được các địa phương quan tâm triển khai. Việc tổng rà soát tàu cá và cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia được thực hiện. Kế hoạch sản xuất lúa được điều chỉnh hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ.
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Du lịch, các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch được tích cực triển khai; đã ban hành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giai đoạn 2022 - 2024, ngành du lịch tăng trưởng liên tục; cơ bản phục hồi so với trước khi xảy ra dịch COVID-19. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm. Các chương trình, đề án lớn về văn hóa được xây dựng và tổ chức, thực hiện, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa của người dân. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa từng bước được kiện toàn và nâng cao. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt kết quả tích cực...
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo trước phiên họp |
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực, cụ thể đối với lĩnh vực công thương: Hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm. Chưa có kho dự trữ quốc gia riêng về xăng dầu. Kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại Tự do chưa cao như kỳ vọng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Việc xây dựng Nghị định về quản lý thương hiệu nông sản Việt Nam còn khó khăn, vướng mắc. Việc xây dựng Đề án Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 còn chậm. Một số tỉnh, thành phố chưa thành lập tổ chức Kiểm ngư để bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương. Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt.
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Chưa ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nguồn lực dành cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Tình trạng thiếu nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được khắc phục. Việc kết nối, khai thác các thị trường du lịch mới, tiềm năng còn chậm. Xuất hiện một số hiện tượng lệch chuẩn về văn hoá. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu…