Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung 9 luật
Kết quả cho thấy, có 445/450 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,90% tổng số ĐBQH. Như vậy với sự đồng thuận cao, Luật đã được thông qua.
Trước đó, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tên gọi của dự thảo Luật đã được điều chỉnh nhằm phản ánh đầy đủ nội dung sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập có liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Liên quan đến Luật Chứng khoán, hai nội dung còn có ý kiến nhiều chiều là báo cáo về vốn điều lệ và sự tham gia của ngân hàng thương mại trong vai trò thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán. UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan, tiếp thu, chỉnh lý quy định về hai nội dung này tại dự thảo Luật, theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý được thể hiện tại khoản 7, điểm b khoản 12 và khoản 18 Điều 1 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Liên quan đến Luật Kiểm toán độc lập, nội dung sửa đổi tập trung vào hai vấn đề chính: Đơn vị kiểm toán và xử phạt vi phạm. Về đơn vị kiểm toán, quy định yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức có quy mô lớn đã được lược bỏ, đảm bảo tính khả thi và giảm gánh nặng pháp lý. Với xử phạt vi phạm, UBTVQH nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán để đảm bảo tính răn đe, trong bối cảnh thị trường kiểm toán gần đây xuất hiện nhiều vụ vi phạm quy định chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), các nội dung sửa đổi tập trung vào các quy định liên quan đến việc quản lý, phân bổ ngân sách, bao gồm: Giữ nguyên quy định hiện hành về việc xử lý các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng bổ sung thẩm quyền cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục; Bổ sung các quy định về chi đầu tư công và chi thường xuyên để đảm bảo cơ cấu chi ngân sách hợp lý; Điều chỉnh thẩm quyền phân bổ dự toán chi ngân sách chưa chi tiết, đảm bảo phù hợp với quy định Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, UBTVQH đã đề nghị các cơ quan rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến phân cấp, phân quyền để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tiếp thu ý kiến ĐBQH theo đó thu hẹp phạm vi đề xuất sửa đổi nội dung tại khoản 2 Điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh và các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Nội dung này được thể hiện cụ thể tại khoản 1, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Liên quan đến Luật Quản lý thuế, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát và khẳng định việc sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia; đồng thời tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp ở nước ngoài, đảm bảo bao quát đầy đủ, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế; nhất là, trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi nội dung này thể hiện tại khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Ngoài các nội dung trên, Luật sửa đổi, bổ sung cũng bao gồm các điều chỉnh quan trọng đối với Luật Kế toán, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ Quốc gia và Luật Xử lý vi phạm hành chính.