Quốc hội chính thức thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản với tỷ lệ tán thành cao
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Luật Địa chất và Khoáng sản đã chính thức được thông qua. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Báo cáo nhấn mạnh những thay đổi quan trọng nhằm đáp ứng ý kiến đóng góp từ đại biểu Quốc hội và đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Trong đó về phân nhóm khoáng sản (Điều 6), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định liên quan đối với loại khoáng sản này trong quy định về chính sách của Nhà nước (khoản 3 Điều 3), thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng (Điều 41, Điều 44, Điều 47), khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng (Điều 65); không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng (khoản 2 Điều 100); giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng (điểm b khoản 2 Điều 107).
Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 8), dự thảo đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Theo đó, căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đồng thời, bổ sung khoản 3 Điều 8 giao Chính phủ quy định chi tiết để Chính phủ quy định một số nội dung như: nguyên tắc xác định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản (Điều 43), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung tại điểm h khoản 1: “Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 05 giấy phép cho cùng 01 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản”.
Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 56), theo điểm a khoản 4 Điều 56, thời hạn tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản được quy định không quá 30 năm, có thể gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian không vượt quá 20 năm. Quy định này nhằm phù hợp với chu kỳ công nghệ và thực tiễn khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian khai thác khoáng sản (kể cả thời gian gia hạn) nhưng còn trữ lượng để tiếp tục khai thác.