Phòng, chống tham nhũng: Quyết liệt, liên tục và đồng bộ để đạt hiệu quả lâu dài
Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về công tác thi hành án, chống tham nhũng |
Giảm thuế VAT: Kích cầu tiêu dùng và giúp tạo thêm việc làm |
Không có vùng cấm
Về công tác phòng, chống tham nhũng, sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về nội dung này. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng cho thấy, công tác quản lý nhà nước phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế, đó là trong đấu thầu mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên khoáng sản, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất trong ngành y tế, giáo dục…
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang |
“Tôi đề nghị, trong báo cáo này cần phải đánh giá làm rõ hơn về tình hình tham nhũng, tiêu cực và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó có hạn chế trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng để có những giải pháp phòng, chống hiệu quả trong thời gian tới”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nói.
Dẫn số liệu trong năm tội phạm tham nhũng chức vụ tăng hơn 51% số vụ, số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng hơn 346%, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt, phát hiện đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Điều đáng quan tâm là những vụ án tham nhũng đều có liên quan đến người đứng đầu, lợi dụng pháp luật chưa chặt chẽ cấu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi.
Đại biểu cũng cho biết, dư luận cũng rất quan tâm đến việc lãng phí tài sản công, mua sắm bất động sản… số này lại không phát hiện để xử lý, nếu lãng phí mà có số liệu chứng minh có thể thất thoát ngân sách không ít hơn tham nhũng. Xuất phát từ những vấn đề trên, đại biểu đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc số người vi phạm lại tăng, trong khi các vụ giảm thì không đáng kể. Cần tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời nhưng vẫn còn lọt lưới “những con cá to” trốn khỏi đất nước chưa bắt được, gây khó khăn cho công tác tố tụng. Tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Còn nhiều vụ án tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định điều tra, chỉ định điều tra,…
Đại biểu Phạm Văn Hòa |
“Các văn bản ban hành của cấp thẩm quyền về nêu gương, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc của mình cũng như quy định về kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là tín hiệu mừng, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Tin rằng thời gian tới có sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực”, vị đại biểu kỳ vọng.
Vừa cấp bách, vừa lâu dài và luôn đòi hòi sự quyết liệt
Dành toàn bộ thời lượng được phép để nêu ý kiến liên quan đến nội dung này, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Công tác này đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận; tham nhũng từng bước đã được kiềm chế và ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá rõ về tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho biết, qua tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân cũng còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh |
Về các nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2024 được nêu trong Báo cáo đã khá rõ ràng và chi tiết trên các lĩnh vực. Để thực hiện tốt hơn và hiệu quả hơn trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp sau:
Một là, phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng. “Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay”, nữ đại biếu nhấn mạnh.
Hai là, có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ba là, trong quá trình xử lý những người vi phạm cần có sự phân loại đối tượng như đối tượng chủ mưu, đối tượng cầm đầu cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh. Còn đối với những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên cần phải được xem xét có chính sách khoan hồng.
“Có thể nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng và cương vị xã hội khác nhau. Do đó, phải có một quyết tâm cao, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt những giải pháp đồng bộ phù hợp mới đạt được những kết quả mong muốn”, vị đại biểu nhấn mạnh.