Phòng vệ thương mại: Áp dụng hợp lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Đề xuất sửa quy định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại Cảnh báo sớm, giảm rủi ro trong phòng vệ thương mại |
Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, ông đánh giá như thế nào về thực trạng nhập khẩu một số mặt hàng vào Việt Nam có dấu hiệu tăng đột biến và có ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước trong thời gian qua?
Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, bên cạnh việc có nhiều lợi thế khi có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu thì chúng ta cũng mở cửa cho các nước thành viên bằng việc cắt giảm thuế nhập khẩu. Điều đó dẫn đến nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng hoá nhập khẩu. Đây là hệ quả tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc nhập khẩu gia tăng cho thấy nhu cầu và sức tiêu thụ của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Tuy nhiên, việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến cũng có thể xuất phát từ những hành vi cạnh tranh không công bằng như bán phá giá hay được trợ cấp, khiến giá của hàng nhập khẩu giảm thấp và có lợi thế cạnh tranh một cách đáng kể so với hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này có thể dẫn tới thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước như thị phần bị thu hẹp, sản lượng và doanh thu giảm, lợi nhuận đi xuống và thậm chí là thua lỗ.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, những mặt hàng nhập khẩu nào cần được chú ý về tác động đến ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế Việt Nam?
Không phải tất cả các mặt hàng nhập khẩu có sự gia tăng đột biến đều do có sự cạnh tranh không công bằng hay gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Có thể đó là do nhu cầu của nền kinh tế mà trong nước chưa thể đáp ứng được hoặc thậm chí là chưa sản xuất được. Tuy nhiên, sẽ có những nhóm hàng nhập khẩu cần có sự chú ý nhiều hơn do ngành sản xuất trong nước đã phát triển, đủ sức cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu. Đặc biệt là khi xuất phát từ những quốc gia có năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu của thị trường nội địa, bắt buộc họ phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Một số nhóm hàng trong số đó bao gồm kim loại (thép, nhôm), hóa chất, chất dẻo, một số loại vật liệu xây dựng, một số mặt hàng tiêu dùng cơ bản (đường, bột ngọt).
Bộ Công Thương đã và sẽ có giải pháp gì để kiểm soát các luồng hàng này nhằm bảo vệ ngành hàng sản xuất trong nước? Khuyến nghị của Cục Phòng vệ thương mại với hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, đang và sẽ đối mặt với hoạt động cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, thưa ông?
Để ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, các quy định pháp luật hiện hành cho phép việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cục Phòng vệ thương mại được thành lập với chức năng thực thi các quy định pháp luật này để kiến nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý.
Cục Phòng vệ thương mại đã kiến nghị Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu |
Trên cơ sở tiến hành điều tra một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế, cho đến nay, Cục Phòng vệ thương mại đã kiến nghị Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Các hàng hóa là đối tượng áp dụng thuộc các nhóm hàng sắt, thép, phân bón, chất dẻo, hàng dệt, thực phẩm.
Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu nếu diễn ra trong một môi trường công bằng cần được khuyến khích để tạo động lực cho sự phát triển, cũng như đem lại lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát hiện thấy các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, thì cần tập hợp đủ tài liệu, chứng cứ để yêu cầu tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Nếu đủ điều kiện để khởi xướng một cuộc điều tra theo quy định, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thực hiện việc điều tra và kiến nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại một cách phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!