Thuốc, thực phẩm chức năng giả đang gây ra nhiều hệ lụy
Thuốc, thực phẩm chức năng giả đang gây ra nhiều hệ lụy |
Ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam đánh giá, thuốc và thực phẩm chức năng có ý nghĩa rất to lớn trong đời sống con người nhưng nếu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng giả không những không có tác dụng mà còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
“Vấn đề thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội, đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng tinh xảo hơn, nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao”, ông Phạm Văn Thọ nói.
Ví dụ đối với Sâm Ngọc Linh - loại sâm quý hiếm được mệnh danh “báu vật đại ngàn” của Việt Nam, bà Trần Hoàng Kim Anh, Thương hiệu PN’S CHOICE, Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam cho biết, sản lượng khan hiếm cùng với lợi ích kinh tế khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn với doanh nghiệp khi khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả không những làm ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn gây nguy hại đến sức khỏe toàn xã hội. Điểm qua hàng loạt các vụ án trong ngành y tế trong thời gian vừa qua, điển hình là vụ Việt Á và VN Pharmar.
Nhiều vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là thuốc, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm chỉ là công nghệ xoong nồi và chảo quấy. Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý gần 1.500 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… trị giá hàng hoá lên tới hàng chục tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Lê cho biết.
Nhận định về xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng, ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cho biết, xu hướng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, chuyển từ hình thức sản xuất, kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để đặt hàng.
Toàn cảnh hội thảo |
Chỉ ra một số nguyên nhân, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phân tích, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ rất lớn, đặc biệt là nhóm thuốc và thực phẩm chức năng.
Ý thức của người tiêu dùng chưa cao, tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại hiệu thuốc hoặc chợ mạng; việc giám định thuốc, thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh; sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan còn chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt; lực lượng quản lý thị trường chưa được đào tạo chuyên sâu về kiến thức thuốc, thực phẩm chức năng cũng như chưa tiếp cận được thông tin kịp thời.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và buôn bán hàng giả, ông Trần Đức Đông cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nắm tình hình, nhận diện những vấn đề phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.
Tập trung phương tiện, biện pháp, đánh đúng, đánh trúng các đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung; tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, cơ chế phối hợp và đề xuất các kiến nghị sửa đổi bổ sung thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Lê đề xuất, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng doanh nghiệp phải đồng lòng, chung tay góp sức cho hoạt động chống thuốc, thực phẩm chức năng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; cần có sự tham gia quyết liệt của các Hiệp hội có liên quan phối với doanh nghiệp trong đấu tranh chống, thực phẩm chức năng giả; cần có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng…