Quan ngại về các quy định mới sắp áp dụng
Với các nhà đầu tư, vốn trước đó khá lo lắng về bầu không khí kinh tế không mấy sáng sủa và sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực gần đây - đã thở phào nhẹ nhõm trước các kết quả mà các ngân hàng công bố. Theo dữ liệu của FactSet, lĩnh vực ngân hàng trong chỉ số S&P 500 đã tăng 6,3% trong 7 ngày vừa qua. Đó là một sự thay đổi lớn so với quý I dù lĩnh vực này vẫn giảm 3,4% kể từ đầu năm đến hiện tại.
CEO của các ngân hàng dường như đang coi báo cáo thu nhập khả quan của ngân hàng họ trước thất bại (sụp đổ) của một số ngân hàng khu vực gần đây, cũng như việc thắt chặt điều kiện tín dụng và lãi suất cao hơn là những dấu hiệu cho thấy cơ quan quản lý không nên đưa thêm các quy định nào nữa đối với ngành ngân hàng.
Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase, vào tuần trước đã đưa ra cảnh báo rằng các quy định cứng rắn hơn dự kiến được cơ quan quản lý đưa ra tới đây sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời buộc các nhà băng có thể phải rời bỏ hoàn toàn một số hoạt động kinh doanh. Hiện các ngân hàng phải đối mặt với yêu cầu nắm giữ nhiều vốn hơn như một tấm đệm chống lại các hoạt động rủi ro. Theo đó, nhà chức trách đang đề xuất các yêu cầu về vốn cao hơn đối với các ngân hàng có ít nhất 100 tỷ USD tài sản sau sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào tháng 3. Dự kiến vào tuần tới, cơ quan quản lý của Hoa Kỳ sẽ công bố chi tiết kế hoạch sửa đổi các quy tắc về yêu cầu vốn đối với các ngân hàng.
Cho đến nay, không ít quan chức và đại diện cơ quan quản lý Hoa Kỳ đều ủng hộ việc thắt chặt hơn các quy định. Đơn cử, các đảng viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của
Massachusetts, Thượng nghị sĩ Connecticut Richard Blumenthal và Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth của Illinois, đều nói rằng việc tăng cường các yêu cầu về vốn là cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và an toàn của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Trong một bức thư gần đây gửi cho các nhà quản lý, họ cho biết việc buộc các ngân hàng phải giữ nhiều tiền mặt hơn và các tài sản thanh khoản khác sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng và giữ cho hệ thống ngân hàng hoạt động trơn tru.
Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Martin Gruenberg cũng cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 6: “Lịch sử đã chứng minh rằng, việc thiếu vốn có thể dẫn đến hậu quả có hại cho nền kinh tế khi các ngân hàng không thể cung cấp dịch vụ tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”. Vì vậy theo Martin Gruenberg, việc tăng lượng vốn mà các ngân hàng phải nắm giữ sẽ giúp “mang lại lợi ích lâu dài”.
Các CEO Jamie Dimon và James Gorman |
Các “ngân hàng bóng tối” có trỗi dậy?
Trong khi nhận định các nhà băng sẽ đối mặt với các bất lợi, khó khăn hơn nếu các quy định mới được áp dụng, CEO Jamie Dimon cũng cho rằng, những “tay chơi’ tài chính khác có thể sẽ là “người chiến thắng”. Ở đây là các đối thủ tài chính phi ngân hàng. “Đây là một tin tuyệt vời cho các quỹ phòng hộ, vốn cổ phần tư nhân, tín dụng tư nhân, Apollo, Blackstone. Có lẽ họ đang khiêu vũ trên đường phố”, Dimon nói về các quy định được đề xuất và Apollo, Blackstone mà CEO này nhắc tới chính là hai trong số những “tay chơi” vốn cổ phần tư nhân lớn nhất hiện nay.
“Chúng tôi cho rằng việc tăng vốn là quá mức và sẽ gây áp lực lên lợi nhuận. Điều đó rõ ràng gây áp lực buộc chúng tôi phải tăng giá (chi phí cho vay) khi có thể. Đó thường là một điều tồi tệ đối với nền kinh tế thực”, Giám đốc tài chính JPMorgan Jeremy Barnum cho biết.
Những quan điểm trên của Dimon, Barnum cũng khá tương đồng với nhiều CEO các ngân hàng khác, và họ không ngại lên tiếng về điều đó. Các CEO cho rằng, những tiêu chuẩn cao hơn đối với các ngân hàng Hoa Kỳ so với tiêu chuẩn quốc tế sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ. Brian Moynihan, CEO của Bank of America nhấn mạnh: “Họ (các quan chức) phải suy nghĩ về nhược điểm (hạn chế) mang lại của các quy định sửa đổi này”, bởi sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các ngân hàng Mỹ và có thể làm nền kinh tế thực của Mỹ chậm lại. Ông nói thêm: “Mức vốn tăng 10% sẽ khiến chúng tôi không thể thực hiện khoảng 150 tỷ USD cho các khoản vay trong dài hạn”.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC mới đây, Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Morgan Stanley, James Gorman, cho biết ông tin rằng có “sự không nhất quán về quan điểm” trong các quy định dự kiến sửa đổi, đồng thời khẳng định sẽ “thách thức” và “mạnh mẽ” về những gì mà ông và ngân hàng của mình cho rằng đang “làm không đúng” trong thời gian đóng góp ý kiến.
Chia sẻ rõ hơn về cảnh báo của ông Jamie Dimon về khả năng các nhà băng có thể phải rời bỏ hoàn toàn một số hoạt động kinh doanh trong tương lai, Giám đốc tài chính JPMorgan Jeremy Barnum cho biết, trong trường hợp các quy định thắt chặt hơn được áp dụng, các ngân hàng sẽ phải tính toán tăng giá (chi phí) đối với các khoản vay và các sản phẩm khác trước khi có quyết định rời bỏ hoàn toàn một số lĩnh vực nào đó hay không. Ông nói: “Nếu việc định giá lại không thành công, thì trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại và điều đó có nghĩa là có thể loại bỏ một số sản phẩm và dịch vụ nhất định”.
Đáng chú ý, nếu điều này xảy ra (với những sản phẩm và dịch vụ mà tới đây các ngân hàng không thấy còn lợi ích để phục vụ nữa do các quy định khắt khe hơn) thì những sản phẩm và dịch vụ ấy có thể là mảnh đất khai thác tốt cho các “tay chơi” phi ngân hàng vì sự giám sát ít nghiêm ngặt hơn. Điều này đặt một mối lo ngại khác là liệu có tái diễn sự trỗi dậy hoạt động của các ngân hàng bóng tối (ngân hàng ngầm). Thực tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các quy định thắt chặt hơn đã buộc các ngân hàng phải rút lui khỏi một số hoạt động, trong đó có mảng thế chấp và cho vay sinh viên, góp phần vào sự gia tăng hoạt động của ngành “ngân hàng ngầm”.