Quốc hội nhất trí bổ sung 3.500 tỷ đồng để Agribank tăng vốn điều lệ
Tăng vốn điều lệ cho Agribank: Mũi tên trúng nhiều mục tiêu | |
Bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế |
Thảo luận việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chiều 10/6, Quốc hội đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp NSNN năm 2020 của ngân hàng, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng và đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm |
Trước đó, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về cơ sở pháp lý của việc tăng vốn điều lệ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Agribank thuộc đối tượng được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ bởi đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Việc nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank được thực hiện theo quy định của Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn luật. Agribank là NHTM Nhà nước cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với tổng vốn đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực cho nền kinh tế. Đây cũng là ngân hàng có hoạt động tăng trưởng ổn định và lợi nhuận tăng dần qua các năm.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 25 của Quốc hội đã quy định là không dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho TCTD thương mại. Do vậy, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ NSNN, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội và sau khi Quốc hội xem xét có chủ trương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo NHNN và các bộ liên quan thực hiện các quy trình, trình tự, thủ tục tăng vốn theo quy định của pháp luật.
Trả lời ý kiến đại biểu liên quan đến tính cấp bách của việc tăng vốn cho Agribank như thế nào, tác động đến NSNN ra sao, thời điểm tăng vốn có phù hợp hay không… Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo và NHNN đã chỉ đạo Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn như cơ cấu lại tài sản theo hướng kiểm soát tốc độ tăng trưởng các tài sản rủi ro và tăng dần tỷ trọng các tài sản có độ an toàn cao, cũng như thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả, bổ sung nguồn vốn tối đa từ phát hành trái phiếu…
Tuy nhiên theo quy định hiện nay, tỷ lệ trái phiếu để được tính vào vốn cấp 2 so với vốn cấp 1 tối đa là 50%. Trong khi hiện nay quy mô trái phiếu của Agribank đã phát hành đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2 đã xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tức là khoảng 49% theo quy định. Vì thế khả năng phát hành thêm trong thời gian tới là rất hạn chế.
Bên cạnh đó, tỷ trọng tài sản có rủi ro trên tổng tài sản trong các năm 2018-2019 cũng đã giảm rất mạnh. Từ năm 2017 đến nay, NHNN đã chỉ đạo Agribank thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành, đến nay đã thoái được khoảng 358 tỷ đồng các khoản đầu tư và thu về khoảng xấp xỉ 500 tỷ đồng. Như vậy số vốn còn lại phải thoái của Agribank không còn nhiều, chưa kể còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thị trường, nếu có thoái được thì số thu về cũng không đáp ứng được nhu cầu.
Tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ giúp tăng cung tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn |
Về giải pháp tăng vốn từ cổ phần hóa, Thống đốc cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa qua NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính chỉ đạo Agribank triển khai các biện pháp để cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Agribank có quy mô quá lớn về mạng lưới, về địa bàn với trên 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch. Trong đó vướng mắc lớn nhất là một số cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Chính vì vậy, NHNN chưa thể ban hành quyết định để cổ phần hóa Agribank.
Đối với giải pháp tăng vốn bằng cổ phần hóa và giữ lại lợi nhuận như ý kiến một số đại biểu nêu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Agribank không thể thực hiện được quy định này như các Ngân hàng TMCP: Công thương, Ngoại thương hay Đầu tư và Phát triển vì đây là ngân hàng 100% vốn nhà nước. Trong khi theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải nộp toàn bộ lợi nhuận về NSNN sau khi trích lập các quỹ.
Chính vì vậy, Thống đốc cho rằng, mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp như vậy, nhưng đến nay Agribank vẫn cần phải có những giải pháp của Nhà nước để đầu tư bổ sung vốn điều lệ trong năm 2020 để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và đảm bảo an toàn hoạt động, cũng như đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thống đốc cũng thông tin thêm, hiện nếu tính theo tiêu chuẩn mới tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đến thời điểm 31/3/2020 tỷ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo mức tối thiểu là 8%. Còn nếu áp dụng theo quy định cũ, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank cũng chỉ đạt được khoảng 9,2%, tức cũng chỉ xấp xỉ mức tối thiểu là 9%.
Vì vậy nếu không được tăng vốn, Agribank chỉ có thể tăng trưởng dư nợ khoảng 4,5% cho cả năm 2020, như vậy khả năng cung ứng vốn cho nông nghiệp, nông thôn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
"Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Agribank dự kiến phải dành 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất cho khu vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng. Muốn vậy, mức tăng trưởng tín dụng của Agribank năm nay tối thiểu khoảng 11% và khi đó thì tỷ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 7,9% - không đạt mức tối thiểu theo quy định. Ngay cả khi thực hiện tối đa các giải pháp tăng vốn như đại biểu Quốc hội đề nghị thì nhu cầu bổ sung vốn của Agribank là khoảng 3.500 tỷ đồng. Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ đề xuất mức bổ sung 3.500 tỷ đồng cho Agribank trong năm 2020", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP. Hồ Chí Minh: Bổ sung thêm 3.500 tỷ đồng, đây không phải là chi tiêu dùng Đồng tình bổ sung dự toán chi NSNN năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank 3.500 tỷ đồng. Thứ nhất nhằm góp phần tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho một NHTM Nhà nước theo Hiệp định Basel II và theo Thông tư hướng dẫn của NHNN. Thứ hai, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động rất bất thường thì việc tăng vốn điều lệ cho NHTM Nhà nước sẽ tăng sức chống chịu của các ngân hàng này. Thứ ba, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng mở rộng được tín dụng. Trong khi 70% tín dụng của Agribank đi vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Vì vậy, việc tăng vốn cho Agribank nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn. Thứ tư, chúng ta chi bổ sung thêm 3.500 tỷ đồng, đây không phải là chi tiêu dùng mà là một khoản chi đầu tư, mà đã đầu tư là phải quan tâm đến yếu tố hiệu quả. Đại biểu Trần Văn Tiến – Vĩnh Phúc: Tăng vốn điều lệ cho Agribank có đủ căn cứ pháp lý Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank theo tôi có đủ căn cứ pháp lý. Thứ nhất, Agribank là DNNN thuộc đối tượng được cấp bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Thứ hai, Agribank là NHTM do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nên việc tăng vốn điều lệ theo Luật số 69 của Quốc hội thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của Agribank luôn tăng trưởng ổn định, lợi nhuận tăng dần qua từng năm. Thứ ba, Bộ Chính trị đã có chủ trương tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng và yêu cầu Chính phủ báo cáo tăng vốn điều lệ cho Agribank bằng nguồn vốn ngân sách, trình Quốc hội xem xét quyết định vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Như vậy là đủ cơ sở tăng vốn điều lệ cho Agribank. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Bến Tre: Tăng vốn cho Agribank là phương án đầu tư hiệu quả Agribank là ngân hàng gắn liền với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong khi Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ ngay ngày đầu của kỳ họp thứ 9 đã khẳng định một vấn đề rất quan trọng là trong đại dịch Covid-19 mới thấy được giá trị của nền nông nghiệp Việt Nam, không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cả toàn thế giới. Hai nữa, chúng ta đang đầu tư cho nông nghiệp là một bước đầu tư rất thông minh. Hiện nay chúng ta cũng đang chuẩn bị làm Chương trình mục tiêu quốc gia mới, đó là dân tộc miền núi… Nói tất cả những vấn đề này để thấy, vai trò cấp tín dụng của Agribank trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn là rất quan trọng. Tôi cho rằng chúng ta cấp ngân sách thông qua cấp tín dụng là một phương án đầu tư phát triển có tính chất nhân văn và rất cần thiết. |