Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD dưới góc nhìn kinh tế
Ảnh minh họa |
Tiến độ xử lý nợ xấu phụ thuộc rất nhiều vào việc sớm tháo gỡ những rào cản về quy định pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu thông qua VAMC và thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng ngân hàng nói chung, xử lý TSBĐ, tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu nói riêng.
Bài viết này đề cập đến quyền và điều kiện thực thi quyền xử lý TSBĐ dưới góc nhìn kinh tế hầu mong góp tiếng nói tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xử lý TSBĐ nhằm xử lý nợ xấu, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai theo nguyên tắc bảo vệ lợi ích của tất cả các bên tham gia là người cho vay cũng như người đi vay tín dụng ngân hàng.
Thông qua đó, không chỉ tháo gỡ nút thắt trên thị trường tín dụng ngân hàng mà còn cả nút thắt trên thị trường bất động sản (BĐS) khi BĐS chiếm khoảng 70% TSBĐ của các khoản nợ xấu hiện nay.
Tài sản bảo đảm tồn tại dưới ba hình thức chủ yếu là vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản: (i) Tài sản bảo đảm là vật như phương tiện giao thông, kim loại quý và đá quý, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa; (ii) Tài sản bảo đảm là các giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, tín phiếu và các giấy tờ khác có thể quy ra tiền; (iii) Tài sản bảo đảm là quyền tài sản như quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ, quyền được nhận bảo hiểm, quyền góp vốn kinh doanh, quyền khai thác tài nguyên, lợi tức và các quyền phát sinh từ tài sản cầm cố, các quyền tài sản khác.
Theo Điều 326 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005): “Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khoản 1, điều 342 BLDS 2005 quy định “Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”.
Theo quy định tại Điều 342 BLDS 2005 thì thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên cũng có thể thoả thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp là tài sản có thực và cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai.
Như vậy, tài sản bảo đảm tại NHTM và TCTD là tài sản/quyền tài sản được người đi vay cầm cố hoặc thế chấp tại NHTM/TCTD theo cam kết trong hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Trường hợp người đi vay trả nợ đúng hạn theo hợp đồng tín dụng thì quyền đối với tài sản bảo đảm được hoàn trả lại đầy đủ và trọn vẹn cho người đi vay.
Ngược lại, trường hợp người đi vay không trả được nợ cho NHTM/TCTD và trở thành nợ xấu thì người cho vay có quyền xử lý tài sản bảo đảm để khắc phục hậu quả do nợ xấu gây ra.
Quyền xử lý tài sản bảo đảm bao gồm: (i) chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm từ người đi vay sang người cho vay; (ii) chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm cho bên thứ ba nếu bên thứ ba nhận thanh toán nghĩa vụ nợ của người đi vay; (iii) người cho vay bán tài sản bảo đảm (phát mại) để thu hồi toàn bộ hay một phần nợ, phần dư sau khi bán (nếu có) được trả lại cho người đi vay.
Tóm lại, bản chất kinh tế của quyền xử lý tài sản bảo đảm tại TCTD/NHTM là quyền đối với tài sản bảo đảm nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra. Việc thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm hiện nay được đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích của người cho vay trong khi gây thiệt hại cho người đi vay, do đó, tâm lý phổ biến trong xã hội cũng như ngay cả trong cơ quan chức năng là quyền xử lý tài sản bảo đảm là quyền đặc hữu của TCTD/NHTM, thậm chí là phục vụ lợi ích nhóm của giới tài chính ngân hàng bất chấp quyền và lợi ích của người đi vay.
Bên cạnh đó, những quy định pháp lý mang tính đặc thù về quyền và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất đai nói riêng, BĐS nói chung cũng như hệ thống quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng còn hạn chế, chưa chặt chẽ và công bằng đi đôi với hạn chế bất cập trong quản lý tài sản, cả quản lý Nhà nước cũng như quản lý của TCTD/NHTM càng khiến cho việc thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm tại các TCTD/NHTM gặp không ít khó khăn, tiêu tốn quá nhiều thời gian, sức lực, thậm chí có những trường hợp bất khả thi.
Trong khi các TCTD/NHTM phải tự loay hoay xoay xở xử lý tài sản bảo đảm thì quan hệ với người đi vay không những thiếu đi sự hợp tác cần thiết mà có khi còn chuyển sang đối đầu, thậm chí mâu thuẫn xung đột gay gắt.
Thêm vào đó, do thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của TCTD/NHTM nên có trường hợp quyền hợp pháp biến thành quyền bán hợp pháp hay/và thực thi quyền hợp pháp bằng công cụ không hợp pháp khiến cho dư luận xã hội phản đối, hoặc ít nhất là không đồng tình.
Quyền xử lý tài sản bảo đảm chỉ được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả và hiệu lực khi và chỉ khi nhận thức về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan trong quan hệ tín dụng ngân hàng được xác lập một cách đúng đắn dựa trên những cơ sở pháp lý khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam đồng thời tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD/NHTM được thực thi có hiệu lực và hiệu quả cần được nhận thức một cách xuyên suốt và nhất quán là không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay và cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế. Cụ thể:
- Lợi ích đối với TCTD/NHTM: Xử lý được tài sản bảo đảm giúp TCTD/NHTM xử lý được nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo chuẩn quốc tế và quy định của NHNN, qua đó TCTD/NHTM vừa giảm bớt nghĩa vụ trích lập dự phòng rủi ro, cải thiện tình hình tài chính của TCTD/NHTM vừa có điều kiện mở rộng hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh và cơ hội phát triển. Quan hệ tín dụng với các khách hàng có nợ xấu có cơ hội được phục hồi và cải thiện sau khi tài sản bảo đảm được xử lý tốt, không những bù đắp toàn bộ thiệt hại gây ra từ nợ xấu cho TCTD/NHTM mà còn có thể có nguồn lực tài chính bổ sung cho người đi vay giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và một lần nữa trở thành khách hàng tốt của các TCTD/NHTM.
- Lợi ích đối với người đi vay: Tài sản bảo đảm được xử lý tốt không những giúp cho người đi vay cải thiện được vị thế trên thị trường tín dụng ngân hàng, dứt điểm cởi bỏ gánh nặng nợ xấu đeo đẳng, sớm có cơ hội phục hồi hoặc tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn có thể thu hồi được một phần giá trị tài sản bảo đảm sau khi đã được xử lý tốt. Việc xử lý tài sản bảo đảm dựa trên sự hợp tác đôi bên giữa người cho vay và người đi vay chắc chắn có lợi cho người đi vay hơn hẳn so với lựa chọn biện pháp kiện tụng và thi hành án.
Lợi ích cao hơn của người đi vay trong trường hợp TCTD/NHTM thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm thay vì khởi kiện ra tòa án không chỉ đạt được về mặt kinh tế - tài chính mà còn cả về mặt uy tín và khả năng phục hồi, duy trì, mở rộng các quan hệ sản xuất kinh doanh trong tương lai. Các giá trị vật chất và tinh thần đối với người đi vay nhờ xử lý tài sản bảo đảm càng đáng trân trọng hơn khi các quy định về thực hiện nghĩa vụ của bên đi vay sẽ được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ và khả thi hơn trong thời gian sắp tới.
- Lợi ích đối với nền kinh tế: thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD/NHTM là công cụ hữu hiệu nhất về mặt kinh tế nhằm tháo gỡ nút thắt nợ xấu của nền kinh tế, nhất là trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam với gần như tuyệt đại bộ phận nợ xấu, cả nợ xấu tại các TCTD/NHTM lẫn nợ xấu tại VAMC đều được bảo đảm bằng tài sản cầm cố hoặc/và thế chấp, trong đó phần lớn là những tài sản có tính thanh khoản cao và giá trị đang phục hồi, thậm chí tăng lên cùng với xu thế phục hồi của nền kinh tế.
Việc các TCTD/NHTM xử lý thành công tài sản bảo đảm để giải quyết nợ xấu không chỉ giúp xử lý ngay và dứt điểm hàng loạt khoản nợ xấu, khơi thông thị trường tín dụng ngân hàng mà còn hoạt hóa được khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm bất động trong các tranh chấp giữa người cho vay với người đi vay trong và ngoài các vụ kiện tụng phức tạp kéo dài, tăng thêm nguồn cung cho thị trường BĐS, thị trường tài chính và cả thị trường hàng hóa từ việc xử lý tài sản bảo đảm, qua đó mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế.
Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu được xử lý thông qua xử lý tài sản bảo đảm càng cao thì càng giảm nhu cầu đối với các nguồn lực tài chính khác dành để xử lý nợ xấu, kể cả nguồn lực tài chính của Nhà nước cũng như của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau 3 năm hoạt động (tính đến 9/2016), VAMC đã xây dựng phương án xử lý các khoản nợ trị giá hơn 155 ngàn tỷ đồng của gần 8.500 khách hàng, trong đó kế hoạch xử lý tài sản bảo đảm của VAMC trị giá gần 39 ngàn tỷ đồng của hơn 1.800 khách hàng. Thực tế triển khai, VAMC mới xử lý bán tài sản bảo đảm trị giá gần 11 ngàn tỷ đồng.
Theo VAMC, ngoài rào cản về nguồn lực tài chính để mua và xử lý nợ xấu thì những quy định pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn cũng khiến cho VAMC lúng túng, không thể đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu đã mua. Chính vì vậy, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của VAMC nói chung, đến hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng, cụ thể là sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN phù hợp với Nghị định 34/2015/NĐ-CP quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC.
Trong đó, quan trọng nhất là hợp lý hóa quy trình thủ tục xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến những khoản nợ xấu mà TCTD đã bán cho VAMC, kể cả quy trình thủ tục khởi kiện và thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
Theo Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng: Hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ nên bản thân VAMC cũng như các ngân hàng không thể chủ động bán nợ xấu. Mặt khác, cơ chế định giá nợ xấu chưa được xây dựng nên phải mất quá nhiều thời gian để định giá nợ xấu khi bán nợ và do đó giao dịch liên quan đến nợ xấu không thể thực hiện được, bị ách tắc trong khâu này. (Thanh niên 20/10/2014).
Nếu tình trạng xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến nợ xấu tiếp tục phức tạp, kéo dài như hiện nay sẽ không chỉ làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tham gia thị trường mua bán nợ xấu với VAMC mà còn cản trở nỗ lực của chính mỗi NHTM trong việc tự xử lý nợ xấu.
“…xử lý dứt điểm các khoản nợ quá hạn, thông qua bán thanh lý, phát mãi tài sản, theo các chuyên gia mới thực sự là giải pháp căn cơ nhất hiện nay. Có như vậy bản thân ngân hàng cũng như doanh nghiệp không chịu áp lực đòi nợ, vay nợ; không lo phát sinh khoản lãi suất mới… Nhưng cơ chế phát mãi và sự nhiêu khê trong xử lý tài sản thế chấp lại trở thành rào cản vô hình làm ách tắc toàn bộ quá trình xử lý nợ xấu”. (Thanh niên 20/10/2014)
Thế chấp tài sản được áp dụng đối với những loại tài sản có giá trị lớn là các BĐS và động sản có đăng ký quyền sở hữu và thế chấp tài sản hiện đang được sử dụng rất thông dụng trong các giao dịch đảm bảo, nhất là trong giao dịch với TCTD.
Điều 336 và 355 BLDS 2005 quy định: “Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố”.
Tuy nhiên, đối với thế chấp tài sản thì rất phức tạp do tài sản thế chấp đều có đăng ký quyền sở hữu nên người nhận thế chấp không thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản này. Người nhận thế chấp phải yêu cần bán đấu giá tài sản để đảm bảo nghĩa vụ dân sự được thực hiện.
Theo đó, người nhận thế chấp phải tiến hành khởi kiện và thi hành bản án mới có thể bán được tài sản thế chấp. Thực tế là người nhận thế chấp (TCTD) tốn nhiều thời gian và chi phí theo đuổi từng vụ kiện trong khi cơ quan bán đấu giá tài sản lại không dám nhận bán đấu giá các tài sản chưa có bản án và quyết định bán đấu giá của cơ quan thi hành án.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Điểm c, khoản 2, điều 1, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định tài sản bán đấu giá là “Tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá”.
Theo đó, nếu việc cầm cố, thế chấp tài sản có thỏa thuận xử lý tài sản bằng cách bán đấu giá tài sản thì vẫn được thực hiện mà không cần phải qua giai đoạn tố tụng và thi hành án rồi mới được bán đấu giá tài sản. Khoản 6 Điều 2 Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định về người có tài sản bán đấu giá gồm: chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản, người có trách nhiệm chuyển giao tài sản để bán đấu giá hoặc cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật. Khoản 4 Điều 10 Thông tư 23/2010/TT-BTP quy định người có tài sản bán đấu giá là ngân hàng, TCTD đối với tài sản bảo đảm;
Theo quy định pháp luật, công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng là cơ sở quan trọng giúp TCTD thu hồi nợ, giảm nợ xấu, song thực tế kết quả thi hành án dân sự trong lĩnh vực này quá thấp. Theo Báo cáo số 376/BC-TCTHADS ngày 30/1/2015 của Bộ Tư pháp, tính đến hết ngày 30/9/2014, có tới 13.571 việc phải thi hành liên quan đến TCTD nhưng mới giải quyết xong 713 việc, chiếm vỏn vẹn 5,25%.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp đã ký kết Quy chế phối hợp trong thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ xây dựng thể chế đến hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ cụ thể, xử lý khiếu nại liên quan đến thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của TCTD cũng như của người đi vay.
Tổng giám đốc một NHTMCP lớn chia sẻ, hiện nay các ngân hàng không hề muốn kéo dài, khoanh nợ thêm nữa mà rất muốn xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, có tới 60 - 70% tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng là BĐS. Dù khách hàng sẵn sàng hợp tác ủy quyền sang tên giấy tờ sở hữu nhưng không thể thực hiện được vì thiếu hướng dẫn từ Bộ Tư pháp.
Ông cho biết: “Ngân hàng không thể nhận chuyển nhượng theo dạng hợp đồng mua bán vì không có chức năng kinh doanh BĐS. Chúng tôi nhiều lần gửi công văn lên Bộ Tư pháp đề nghị ban hành mẫu công văn hướng dẫn cấn trừ nợ, nhận tài sản vì nếu không phía công chứng họ không chấp nhận, không thể sang tên được”.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục. “Quy định trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng vay không trả được nợ theo hợp đồng tín dụng hoặc vi phạm hợp đồng tín dụng... còn hết sức bất cập, chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ”. (Thanh niên 20/10/2014)
Rõ ràng, muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả thì không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành Ngân hàng mà còn cần sự tham gia tích cực của các tổ chức đơn vị có liên quan, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp.
NHNN nên đóng vai trò đầu mối phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để chỉnh sửa các quy định có liên quan từ BLDS, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đến các văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, góp phần giải quyết dứt điểm nợ xấu, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ nợ và người vay nợ.