Rào cản nào với hàng Việt khi vào siêu thị
“Chỉ lối” cho nông sản lên kệ siêu thị Giảm giá phải đi kèm với chất lượng |
Ông Trần Đình Dũng - đại diện Công ty Dasa Thảo Mộc (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, với sản phẩm tỏi Lý Sơn, đơn vị đã đưa hàng vào bán tại hai hệ thống cửa hàng tiện lợi, nhưng chỉ được một thời gian lại chủ động ngưng. Nguyên nhân chủ yếu do vận chuyển xa, công nợ để lâu (45 - 60 ngày) và phải chiết khấu cho đơn vị bán lẻ 15 - 20%, thậm chí 25% với sản phẩm chế biến sâu như tỏi đen, trong khi doanh số bán lại không đủ bù đắp.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết quyết định không vào kênh siêu thị do không chịu được mức chiết khấu cao và nhiều thủ tục rườm rà. Do đó, đơn vị chọn các cửa hàng nhỏ, điểm bán đặc sản, nông sản sạch...
Có đơn vị khó khăn lắm mới vượt qua các “rào cản” để vào được siêu thị, nhưng cũng nhanh chóng "nghỉ chơi" vì không hiệu quả và chịu sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều nhóm hàng, trong đó có hàng của chính siêu thị. Thậm chí, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, có giấy phép kinh doanh, logo, tên bản quyền… cũng chưa vào được hệ thống siêu thị.
Nguyên nhân là các siêu thị yêu cầu tổ hợp tác phải có hợp đồng giao dịch, hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… trong khi đó, bên cung cấp hàng lại chưa thực hiện được những yêu cầu này.
Trong khi đó, nhiều siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định không phân biệt đối xử với bất cứ thương hiệu nào nhưng sẽ ưu tiên chọn những doanh nghiệp có thương hiệu, xây dựng tốt giá trị nội tại sản phẩm như về bao bì, chất lượng...
Ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc ngành hàng thực phẩm tiêu dùng sàn thương mại Tiki, cho biết những sản phẩm xây dựng được thương hiệu tốt từ bao bì, chất lượng đến giá cả... sẽ rất dễ bán được hàng.
"Doanh nghiệp cần định hướng về sản phẩm, thị trường như phân khúc khách hàng, bán ở đâu, giá như thế nào, có khác biệt gì so với sản phẩm cùng loại... Như vậy mới trụ vững và bán được hàng", ông Nhi nói.
Đại diện Tập đoàn Central Retail (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị GO!), thì cho biết luôn tạo mọi điều kiện cho nhà sản xuất hàng OCOP đưa sản phẩm vào siêu thị. Cụ thể, đã có hàng trăm sản phẩm thuộc loại này được bán ở siêu thị, trong đó riêng TP.Hồ Chí Minh có hơn 40 sản phẩm.
Tuy nhiên, đại diện hệ thống bán lẻ này cũng lưu ý, các sản phẩm OCOP đang bị trùng lặp nhiều, không có điểm nhấn, chưa kể chất lượng, sản lượng, bao bì, chiến dịch thương mại... thường thiếu ổn định nên gây khó cho siêu thị.
"Quá nhiều sản phẩm nên chúng tôi phải chọn lọc, ưu tiên hàng hóa hút khách. Do đó, để dễ đưa hàng vào siêu thị, các nhà sản xuất phải xem lại từ chất lượng, sản lượng, bao bì, các chiến dịch quảng bá thương mại trước và sau khi vào kênh bán lẻ...", đại diện Central Retail khẳng định.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty cổ phần DH Foods cho biết, để sản phẩm có thể tiếp cận được thị trường tốt, các doanh nghiệp ngay từ đầu cần phải đảm bảo về mặt chất lượng, chuẩn về mẫu mã bao bì sản phẩm, đặc biệt là đăng ký nhãn hiệu.