Room tín dụng khó bung mạnh
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá triển vọng quý III của ngành Ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng của NHNN (dự báo vào trung tuần tháng 7), sẽ giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn Ngành.
Ảnh minh họa |
Vấn đề room tín dụng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Do thời gian qua tín dụng tăng trưởng tích cực cùng với đà phục hồi của nền kinh tế nên hiện nhiều ngân hàng sử dụng gần hết hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm và đang chờ được NHNN nới room. Chẳng hạn tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 9% sau 4 tháng đầu năm so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%. Cùng thời điểm trên ACB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8%, dù room được cấp là 10%. Một số ngân hàng khác cũng trong tình trạng tương tự. MB đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 14,3% ngay sau quý I, gần chạm trần mốc 15% được cấp. Chính vì vậy, năm nay các ngân hàng xin nới room khá sớm so với cùng kỳ năm trước để có dư địa triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa ngân hàng nào nhận được quota nới tín dụng từ NHNN.
Sự thận trọng của NHNN, theo đánh giá của giới chuyên môn cũng là phù hợp do NHNN phải thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát nên rất khó kỳ vọng mức room mới sẽ tăng mạnh. Tín dụng 6 tháng đã tăng 9,35%, nếu tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh thì rõ ràng sẽ làm tăng thêm áp lực lên kiểm soát lạm phát. Tại Agribank, trong 6 tháng đầu năm nay, tín dụng ngân hàng đã tăng 6% trong khi hạn mức tín dụng cả năm là 7%. Mặc dù ngân hàng không còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm, nhưng Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn không ủng hộ việc nới mạnh room tín dụng trong nửa cuối năm. Vì theo ông Ấn, nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, huy động vốn năm nay không tăng mấy so với năm trước. Trong khi tín dụng tăng quá mạnh dễ dẫn đến việc các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất. Do đó, các ngân hàng cố gắng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng.
“Tôi mong rằng Chính phủ, NHNN sẽ có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp, nếu hy sinh để tăng trưởng thì áp lực lạm phát rất lớn. Agribank hy vọng không có đột biến quá lớn về tín dụng để không xảy ra cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay, tăng lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0”, ông Ấn cảnh báo.
Lý giải việc NHNN không bung mạnh room tín dụng cho các NHTM, một chuyên gia lâu năm làm việc trong ngành Ngân hàng cho biết, trước áp lực lạm phát như hiện tại, nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của các ngân hàng thì sẽ khó khăn trong giữ ổn định vĩ mô như hiện nay. “Với tốc độ tăng trưởng lớn, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Kinh nghiệm giai đoạn trước đây khi không kiểm soát room tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới trên 30%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay”, vị này cảnh báo.
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho hay, trong ba năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các NHTM đều trên 20%. Nếu để tăng trưởng như kỳ vọng của ngân hàng thì rất dễ bị vượt qua khả năng quản trị của họ, mặt khác tạo áp lực lớn đến lạm phát và mặt bằng lãi suất. Trên thực tế, nhiều ngân hàng vẫn còn room tín dụng, chỉ một số ít TCTD gần cạn room. Do đó, ngân hàng buộc phải có hành động mang tính phòng thủ, tức tập trung cấp tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên hoặc khoản vay có chất lượng cao. “Đây là thời điểm tốt để các ngân hàng gạn đục khơi trong, cơ cấu lại chất lượng tín dụng”, ông Quang lưu ý.
Liên quan đến hoạt động tăng trưởng tín dụng, phát biểu tại Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% ngày 6/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng những năm qua nhìn chung không thay đổi, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn là 14%. Nhưng riêng room tín dụng cho từng NHTM, Phó Thủ tướng đề nghị, NHNN phải đánh giá cụ thể, bám sát tình hình thực tế để điều hành tín dụng phù hợp trên tinh thần “mạch máu của nền kinh tế không được tắc nghẽn”, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN rất thấu hiểu từ góc độ của các TCTD. Nhưng ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN cũng mong nhận được chia sẻ bởi NHNN đang phải thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn bủa vây, hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn phải đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Khi làm được điều này sẽ tạo môi trường kinh doanh ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, cuối tuần tới, NHNN sẽ tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại Hội nghị này, NHNN sẽ quán triệt về vấn đề tăng trưởng tín dụng của các NHTM.