Rủi ro Fed tăng lãi suất cao hơn dự kiến
Thị trường lao động cải thiện khuyến khích Fed tăng lãi suất Fed tăng lãi suất trở lại, Chủ tịch Powell để ngỏ khả năng nâng thêm vào tháng Chín |
Để ứng phó với áp lực lạm phát, Fed đã khởi động chu kỳ thắt chặt hiện tại vào tháng 3/2022. Kể từ đó đến nay, cơ quan này đã tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản, đưa phạm vi mục tiêu của lãi suất cho vay qua đêm từ mức 0%-0,25% lên 5,25%-5,5% như hiện tại.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed |
Động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Fed đã giúp kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ từ mức đỉnh 41 năm là 9,2% giảm về còn 3,2% trong tháng 7 vừa qua. Với việc lạm phát đã giảm mạnh, không ít nhà kinh tế tin rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc.
Kết quả cuộc khảo sát do Reuters thực hiện từ ngày 14/8 đến ngày 18/8 cũng cho thấy, có tới 99 trong số 110 nhà kinh tế (90%) được hỏi cho biết, Fed sẽ giữ lãi suất trong khoảng 5,25-5,50% tại cuộc họp tháng 9. Bên cạnh đó có 80% các nhà kinh tế kỳ vọng lãi suất sẽ không tăng thêm trong năm nay; trong khi chỉ có 23 nhà kinh tế cho biết lãi suất sẽ tăng ít nhất là một lần nữa trong năm nay.
Tuy nhiên bất chấp lãi suất tăng nhanh, kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với mức mà các quan chức Fed coi là tốc độ tăng trưởng phi lạm phát khoảng 1,8%. Cụ thể GDP của Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 2,4% hàng năm trong quý hai và một số ước tính cho thấy tốc độ của quý hiện tại cao hơn gấp đôi con số đó.
Theo các nhà phân tích, động lực chủ yếu của kinh tế Mỹ là chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm tới 2/3 kinh tế Mỹ. Có được điều đó một phần do tích lũy của người dân trong thời kỳ đại dịch, một phần cũng bởi thị trường lao động Mỹ vẫn rất mạnh.
Thực tế này đã được Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý trong bài phát biểu tại Hội nghị các nhà ngân hàng trung ương toàn cầu tại Jackson Hole, Wyoming cuối tuần trước là nó có thể khiến tiến trình giảm lạm phát bị đình trệ và gây ra phản ứng của ngân hàng trung ương.
“Bằng chứng về sự tăng trưởng liên tục trên xu hướng có thể khiến lạm phát gặp rủi ro hơn nữa và có thể đảm bảo việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa”, Chủ tịch Fed cho biết tại Jackson Hole. “Chúng tôi sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu phù hợp và có ý định giữ chính sách ở mức hạn chế cho đến khi chúng tôi tin rằng lạm phát đang giảm dần theo hướng mục tiêu của chúng tôi”.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ đưa ra một bản cập nhật quan trọng về triển vọng kinh tế của họ tại cuộc họp ngày 19-20 tháng 9, khi đó họ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25%-5,5%.
Nếu dữ liệu về lạm phát và thị trường lao động tiếp tục cho thấy áp lực về giá và tiền lương giảm bớt thì dự báo hiện tại chỉ tăng thêm một phần tư điểm có thể đúng. Tuy nhiên, các quan chức Fed vẫn bối rối và có phần lo ngại trước những tín hiệu mâu thuẫn trong dữ liệu, đặc biệt là sức mạnh của thị trường lao động.
Nếu Fed buộc phải tăng lãi suất cao hơn dự kiến, đó sẽ là một rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Còn nhớ việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm ngoái đã có những thời điểm gây căng thẳng cho hệ thống tài chính toàn cầu khi đồng đôla Mỹ tăng vọt, đẩy nhiều đồng tiền khác rớt giá mạnh. Nhưng tác động này đã bị giảm bớt do các ngân hàng trung ương khác cũng đồng loạt tăng lãi suất.
Song tình thế hiện nay đã khác. Hiện không ít nền kinh tế đang phát triển như Brazil, Chile và Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, trong khi nhiều nước khác dự kiến cũng sẽ làm theo, những hành động mà giới chuyên gia cho rằng, phần lớn được điều chỉnh theo kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất nhiều hơn một lần 25 điểm cơ bản nữa.
“Nếu chúng ta đạt đến điểm cần phải… làm nhiều hơn những gì đã được định giá, thì đến một lúc nào đó, thị trường có thể bắt đầu lo lắng… Sau đó, bạn sẽ thấy phần bù rủi ro tăng lên đáng kể ở các loại tài sản khác nhau, bao gồm cả các thị trường mới nổi, bao gồm cả phần còn lại của thế giới", Pierre-Olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.