Rủi ro tranh chấp từ các thương vụ M&A
M&A vẫn khởi sắc dù xuất hiện nhiều trở ngại kinh tế | |
M&A: Chất hơn lượng | |
M&A ngân hàng Việt sẽ sôi động |
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng trở thành hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam. Cùng với đó, các tranh chấp liên quan tới hoạt động này cũng có dấu hiệu gia tăng với sự tham gia đa dạng hơn của các chủ thể và diễn biến các vụ việc cũng nảy sinh nhiều tình huống hơn.
Trước thực trạng này, chuyên gia pháp luật khuyến nghị doanh nghiệp đang hoặc sẽ tiến hành thương vụ M&A cần đặt ra bài toán làm sao để quản trị rủi ro, thiết lập tiến trình giao dịch an toàn và phòng ngừa được các tranh chấp phát sinh.
Vấn đề nêu trên vừa được đặt ra tại hội thảo “Giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư bằng phương thức trọng tài”, do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng Trung tâm hoà giải Việt Nam (VMC) tổ chức ngày 21/7/2022, tại TP. Hồ Chí Minh.
M&A trong lĩnh vực bất động sản gia tăng mạnh nửa đầu năm 2022 |
Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn
Bất chấp diễn biến khó lường của dịch Covid-19, giá trị và số lượng thương vụ M&A liên tục tăng trưởng, cho thấy Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, trong khi vốn đăng ký cấp mới của nhà đầu tư nước ngoài giảm tới 48,2%, thì tổng vốn đăng ký góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng 41,4% so cùng kỳ năm trước.
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC nhận định, những năm qua việc hoàn thiện khung pháp lý luôn được ưu tiên, với hàng loạt các dự án luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được sửa đổi, có hiệu lực đã tạo nên bàn đạp vững chắc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường M&A.
Với nhiều tác động tích cực từ môi trường, chính sách, có thể nói các doanh nghiệp có nhiều điều kiện và sự lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ đầu tư kinh doanh, tuy nhiên song hành với đó thì họ cũng đối diện nhiều hơn với các thách thức, rủi ro về mặt đối tác, quản trị hợp đồng, quản trị tranh chấp.
Ông Lê Viết Anh Phong - Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận tư vấn tài chính Deloitte Vietnam cho rằng, M&A đã và đang trở thành lựa chọn được ưa chuộng đối với các tập đoàn trong nước vì chiến lược, hình thức này giúp họ nhanh chóng tiếp cận được với các lĩnh vực kinh doanh mới, nhanh chóng mở rộng thị phần cũng như dễ dàng bổ sung được nguồn tài nguyên về nhân lực, kỹ thuật sau khi các giao dịch diễn ra thành công. Các công ty được mua lại hoặc nhận đầu tư theo hình thức này đều được hưởng lợi từ hệ sinh thái của các tập đoàn lớn; tiếp cận các công nghệ, kỹ thuật mới.
Bên cạnh đó, M&A còn là công cụ hiệu quả để tăng thị phần, độ bao phủ thị trường, hoà hợp hơn về văn hoá cũng như có định hướng chiến lược chính xác hơn. So với các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài có cách tiếp cận thận trọng hơn, song nhìn chung họ vẫn nhận thấy sức hấp dẫn lớn của thị trường Việt Nam.
Luật sư Trần Anh Đức - Công ty Luật TNHH Allen & Overy cũng chia sẻ, hình thức đầu tư luôn là vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi lựa chọn rót vốn vào Việt Nam. Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức đầu tư gồm thành lập tổ chức kinh tế; góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; và các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định. Trong số đó, M&A có tác động kích thích thị trường phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới.
Bên cạnh các lợi ích thì hình thức này cũng tiềm ẩn rủi ro; trong đó chủ yếu là rủi ro về mặt pháp lý và tài chính. Cụ thể là việc doanh nghiệp - người bán, thường có xu hướng thổi phồng giá trị của mình, làm ảnh hưởng đến quá trình định giá doanh nghiệp; hay việc cấu trúc giao dịch M&A không phù hợp, không đầy đủ giấy tờ hợp pháp để tiến hành giao dịch. Ngoài rủi ro xuất phát từ việc bất đồng quan điểm giữa các bên, còn có rủi ro đến từ hành lang pháp lý có nhiều điểm chưa thống nhất, chồng chéo.
Hạn chế rủi ro ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng
Dưới góc nhìn của các chuyên gia pháp lý, hợp đồng giữa các bên khi tiến hành các thương vụ M&A chính là gốc rễ của giao dịch; đồng thời đây cũng chính là nguồn gốc của hầu hết các vấn đề phát sinh sau này. Do đó việc xây dựng một hợp đồng đầy đủ, chi tiết và chặt chẽ là một trong những yếu tố tiên quyết để quyết định sự thành công của một thương vụ.
Về mặt pháp lý, hiện nay hợp đồng M&A khá phức tạp và soạn theo mẫu sẵn có của các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ… chính vì vậy không thể tránh khỏi việc không phù hợp với pháp luật Việt Nam, từ đó gây phát sinh tranh chấp từ chính các điều khoản trong hợp đồng.
Luật sư Trương Nhật Quang - Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên VIAC lưu ý, trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 7/2022, Ban thư ký VIAC ghi nhận 39 vụ việc tranh chấp và chủ yếu phát sinh trong thời gian gần đây. Hầu hết các tranh chấp đều có yếu tố nước ngoài và giá trị dưới 10 triệu USD.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nội tham gia các thương vụ M&A ở quy mô lớn, thậm chí mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài. Do đặc điểm người mua là doanh nghiệp nội, doanh nghiệp hoặc dự án hoạt động ở Việt Nam, nên việc soạn thảo các hợp đồng càng cần phải được chú trọng cho phù hợp với pháp luật Việt Nam, thay vì sử dụng hoàn toàn các hợp đồng mẫu sẵn có.
Ông Hà Hoàng Lộc - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Nishimura & Asahi cho biết khái quát một số loại hợp đồng phổ biến trong giao dịch M&A, như hợp đồng mua bán cổ phần, hợp đồng sáp nhập/hợp nhất công ty, hợp đồng mua bán tài sản.
Ở giai đoạn soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp được khuyến nghị cần phải tập trung vào một số điều khoản chính như điều khoản về giá, thanh toán; nhóm điều khoản phân chia rủi ro, các điều khoản về pháp lý, giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở mục tiêu chiến lược, các doanh nghiệp cần rà soát và đảm bảo những nội dung quan trọng trong hợp đồng phải được xây dựng, thiết kế một cách chặt chẽ.
Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc như tự do thoả thuận tự nguyện, chịu trách nhiệm về mặt tài sản, hợp đồng trong giao dịch M&A cũng cần nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác, phương hướng giải quyết các rủi ro, tình huống mâu thuẫn phát sinh… Bởi quá trình M&A là quá trình kéo dài, chúng ta không thể đảm bảo xuyên suốt quá trình đó, mọi việc đều “xuôi chèo mát mái”.
“Hợp đồng M&A không phải chỉ là yếu tố pháp lý mà đó là sự phối hợp hài hòa các yếu tố có liên quan đến giao dịch như tài chính, kinh doanh… Chỉ khi kết hợp được hoàn chỉnh các yếu tố này thì hợp đồng M&A mới thật sự là công cụ để đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia trong giao dịch”, ông Lộc nhấn mạnh.