M&A: Chất hơn lượng
Hoạt động M&A toàn cầu sụt giảm mạnh | |
M&A ngân hàng Việt sẽ sôi động | |
Doanh nghiệp bất động sản tìm cơ hội M&A |
CTCP Gỗ An Cường năm nay lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến lần lượt là 28,8% và 21,9% so với năm 2021. Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT cho rằng mục tiêu này không hề xa vời, nếu đối chiếu với các số liệu trong quá khứ sẽ thấy rằng khi thị trường bất động sản chững lại thì doanh thu bán hàng của An Cường lại có xu hướng tăng lên. Bởi tầng lớp có thu nhập trung bình và trung bình cao ngày càng tăng, cùng với đó nhu cầu làm đẹp cho ngôi nhà của người Việt cũng gia tăng, khiến thị trường này còn nhiều dư địa phát triển.
Ảnh minh họa |
Theo ông Nghĩa, thời điểm hiện tại thích hợp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, mở rộng mạng lưới đối tác và phát triển hệ sinh thái. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã thực hiện một số khoản đầu tư tiêu biểu như mua 12,97% cổ phần với giá trị đầu tư 119,2 tỷ đồng và trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi; mua 30% cổ phần với giá trị đầu tư 394 tỷ đồng và trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Bất động sản Central Hill, đầu tư 285 tỷ đồng vào dự án NovaWorld Phan Thiết.
“Dù thị trường bất động sản có diễn biến như thế nào thì tôi tin rằng các sản phẩm nhà ở có giá cả phải chăng vẫn rất khát trên thị trường và là phân khúc công ty muốn hướng tới”, ông Nghĩa nói thêm. Cùng với việc hợp tác và trở thành cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp bất động sản, Công ty An Cường xác định đây cũng sẽ là kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, thông qua việc cung cấp các giải pháp thiết kế nội thất kèm theo nhà ở. Như vậy, chỉ sau một thương vụ, doanh nghiệp này vừa mở rộng lĩnh vực hoạt động, vừa mở thêm ra kênh bán hàng cho lĩnh vực sản xuất cốt lõi của mình.
Một đại diện trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, CTCP Tập đoàn PAN cũng dự kiến sẽ chi khoảng 400 tỷ đồng cho M&A các công ty khác trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm để hoàn thiện hệ sinh thái. Thời gian thực hiện các kế hoạch này dự kiến từ quý III/2022 đến quý III/2025.
Các quan điểm tích cực đều nhận định, đây là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh hướng phát triển đường dài, mở rộng mạng lưới, lĩnh vực hoạt động. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực M&A, bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay là điểm bắt đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của nhà đầu tư. Những nhà đầu tư có tài chính mạnh, hoặc là có nguồn tiền nhàn rỗi đang tích cực tìm kiếm cơ hội trên thị trường M&A khi có nhiều yếu tố hỗ trợ. Như nền kinh tế hứa hẹn sẽ hồi phục nhanh, hoạt động đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông lớn được thúc đẩy, các gói hỗ trợ sớm được giải ngân… Vì vậy, nhà đầu tư vẫn liên tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư hiệu quả, an toàn và cộng hưởng với ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Song song với thực hiện nghiên cứu, phân tích, đánh giá, thẩm định, đàm phán và tiến hành các hoạt động đầu tư và M&A.
Thị trường M&A không thể không nhắc đến những nhà đầu tư ngoại. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/6/2022, nguồn vốn FDI đổ vào ngành kinh doanh bất động sản đạt trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam tại TP.HCM nhận định, hiện nay quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, trong khi nguồn tiền của nhà đầu tư nước ngoài lại rất dồi dào. Vì vậy, các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính luôn sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động M&A để rút ngắn thời gian tạo lập quỹ đất. Những đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm qua đã khiến những chủ đầu tư không đủ tiềm lực phải tạm rời thị trường, còn lại là những đơn vị có sức chống chịu tốt và đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để vượt lên. Vì vậy, năm 2022 là thời điểm quan trọng mang lại cơ hội cho họ.
Bà Ngô Thị Vân Quỳnh, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Legal nhận định thêm: các quy định của pháp luật đối với nhà đầu tư nước ngoài đã thông thoáng hơn rất nhiều, từ đó tạo điều kiện cho họ gia tăng hoạt động M&A. Cụ thể, luật hiện hành cho phép nhà đầu tư tái cấu trúc dự án, ngoài ra cho phép chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án, có thể sáp nhập, chia tách hay góp vốn một phần để thành lập doanh nghiệp. Nhờ đó khi tham gia vào thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể tính tới nhiều phương án M&A, thay vì bị hạn chế hình thức như trước đây. Cùng với đó, tính minh bạch của thị trường cũng cải thiện và khiến nhà đầu tư yên tâm hơn với các quy định như yêu cầu bắt buộc công bố thông tin liên quan tới dự án, nhà đầu tư, các mẫu hợp đồng để bảo vệ quyền lợi các bên trong giao dịch dự án.