Sách song ngữ: Cánh cửa cho tác giả Việt bước ra thế giới
Sách song ngữ ở nước ta thời gian qua không ngừng được xuất bản. Mới đây, bộ truyện “Chuyện ở rừng Vi Vu” dành cho lứa tuổi nhi đồng của nhà văn Trương Huỳnh Như Trân, đã được tác giả chuyển thành truyện dài cùng tên, xuất bản song ngữ Việt - Anh. Cuốn sách có minh họa đẹp mắt, mang đến một câu chuyện thú vị về cách kết bạn, tinh thần đồng đội, sự sẻ chia và cách hòa đồng với những người xung quanh từ các nhân vật Báo Chấm Bi, Sóc Đuôi Xù, Nhím Nhút Nhát, Sư Tử Bờm Đỏ... “Với những bé đã biết chữ, có thể rành tiếng Anh hơn tiếng Việt, phiên bản song ngữ để tiện cho các bé đối chiếu. Điều này ngược lại cũng giúp ích cho độc giả trong nước, vì sẽ học được tiếng Anh khi đọc sách”, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân chia sẻ.
Tác giả Thái Lý có “Cuốn sách đầu tiên cho bé về hình dạng và màu sắc” song ngữ Việt – Anh được giới chuyên môn đánh giá cao. Ấn phẩm của tác giả Thái Lý có nhiều ưu điểm, bao gồm các hình khối và màu sắc đầy đủ nhất, hình ảnh và chữ viết song ngữ Việt – Anh. Đó còn là những ví dụ minh họa sinh động và quen thuộc để trẻ làm quen với mặt chữ, kèm song ngữ; màu sắc tươi tắn, hình ảnh gần gũi trong cuộc sống hàng ngày khơi dậy hứng thú và giúp các trẻ ghi nhớ và thực hành nhanh chóng. Với những ưu điểm từ cuốn sách này mang lại, trẻ sẽ dễ dàng ghi nhớ và làm quen nhanh nhất với các hình khối và màu sắc cùng cách phát âm cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Sách ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến” của tác giả Mỹ Trà in song ngữ Việt – Anh được bạn đọc và giới chuyên môn đánh giá cao |
Đặc biệt phải kể đến bộ sách song ngữ “Tìm hiểu văn hóa Việt Nam” do nhà văn hóa Hữu Ngọc, dịch giả Lady Borton (người Mỹ, chuyển ngữ tiếng Anh) cùng thực hiện. “Tìm hiểu văn hóa Việt Nam” có ngôn ngữ Anh và Việt, chia nhỏ với các lĩnh vực riêng về đời sống người Việt từ xưa đến nay như: thi cử nho giáo, lễ hội mùa xuân ở Việt Nam, chợ tryền thống, tết trung thu, cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam, tết nguyên đán, tục lệ cưới xin, y học cổ truyền,...; giới thiệu về nét đẹp ẩm thực và những sản vật văn hóa đặc trưng: phở, trầu cau, ẩm thực xứ Huế, áo dài, rối nước, ca trù, nghệ thuật tuồng Việt Nam. Không chỉ chia sẻ về nguồn gốc hình thành của các bộ môn nghệ thuật, các lĩnh vực văn hóa trong đời sống; bộ sách còn giống như những cuốn sổ tay cung cấp cho người đọc những đặc trưng văn hóa nổi bật của các thành phố lớn ở nước ta. Bộ sách “Tìm hiểu văn hóa Việt Nam” đã đưa người đọc lãng du, dạo chơi trong kho tàng văn hóa Việt, chiếm được cảm tình độc giả trong và ngoài nước.
Cuốn sách ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến” của tác giả Mỹ Trà in song ngữ Việt – Anh được tổ chức biên soạn theo phong cách rất mới, hiện đại, cuốn hút công chúng. Sách ảnh song ngữ bao gồm gần 150 bức ảnh, tái hiện vẻ đẹp trong trẻo, tráng lệ của Trường Sa qua nhiều thời khắc: một cơn giông, tiếng ê a vọng ra từ những lớp học bên bờ sóng trong tiếng ngân nga của chuông chùa. Bên cạnh đó là cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính đảo, là cảm xúc nhớ đất liền và nhớ về những người đã ngã xuống. “Trường Sa - Nơi ta đến” là một bộ sách ảnh mang tới cho chúng ta những thông điệp dịu dàng về tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo ngân vang từ những khoảnh khắc vừa đời thường, dung dị, vừa cảm động, hấp dẫn.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cùng dịch giả Rosy Trần, họa sĩ Đặng Hồng Quân thực hiện tập thơ song ngữ Việt – Anh “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ”. Sách này gồm 30 bài thơ được bạn đọc đón nhận, xoay quanh tình cảm gia đình, những câu chuyện thường ngày dưới góc nhìn trẻ thơ. Hoặc ấn phẩm “Cẩm nang sinh tồn siêu cấp” song ngữ Việt – Anh của tác giả nhí Nguyễn Khang Thịnh (16 tuổi). Với lời văn ngắn gọn, dí dỏm, cuốn sách đã đưa ra những bí quyết đơn giản để các bạn nhỏ sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã hoặc bảo vệ mình ở trường. Ngoài ra, những cuốn sách song ngữ như “Biệt động Sài Gòn” (tác giả Nguyễn Đức Hùng), “Đúng là Tết” (Bùi Phương Tâm), “Biệt đội Ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại” (Nguyễn Hạnh Phương), “Em ước mong sao - I wish” (Hoàng Thị Diệu Thuần tuyển chọn)… cũng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của giới chuyên môn và bạn đọc từ nội dung đến hình thức trình bày.
Ông Nguyễn Đức Vịnh, Tổng Biên tập Đinh Tị Books đánh giá, làm sách song ngữ là một cách hay để tiếp cận với độc giả thế giới, điều quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng nội dung của cuốn sách. Xuất bản sách song ngữ cũng là con đường đưa ngành xuất bản Việt vươn xa, hội nhập quốc tế.