“Sân chơi” và luật chơi cho fintech
Fintech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện | |
Thống đốc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Đại sứ Hàn Quốc về fintech, ngân hàng số, phòng chống rửa tiền | |
Ngân hàng - Fintech: Mối quan hệ cộng sinh |
Hoạt động của các công ty fintech tăng trưởng nhanh trong đó chủ yếu là thanh toán số và tài chính cá nhân. Theo Statista – công ty nghiên cứu về thị trường và tiêu dùng, giá trị giao dịch hai lĩnh vực này tăng lần lượt là 27 tỷ USD và 3 tỷ USD năm 2022 (từ mức 8,7 tỷ USD và 0,2 tỷ USD năm 2018) dự báo năm 2023 quy mô giao dịch hai lĩnh vực này lần lượt là 19,4 tỷ USD và 4,4 tỷ USD.
Số lượng người dùng fintech cũng tăng nhanh từ khoảng 34,2 triệu người dùng năm 2018 lên 57,6 triệu người dùng năm 2022; và sẽ lên đến khoảng 63 triệu người dùng cuối năm nay. Từ đó, số lượng công ty fintech tăng dần qua các năm, từ 144 công ty năm 2018 lên 262 công ty. Các công ty fintech hiện không chỉ cạnh tranh với các ngân hàng, mà họ cũng đã mở rộng cạnh tranh với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, bảo hiểm, chấm điểm tín dụng, định danh số…
Tiềm năng phát triển hoạt động fintech tại Việt Nam còn lớn, mức độ sử dụng fintech tăng trưởng nhanh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Chính sự thay đổi nhanh chóng về thói quen thanh toán và quản lý tài sản của người dân cùng với sự phát triển nhanh của thị trường thương mại điện tử đã mang lại tiềm năng lớn đối với những công ty khởi nghiệp ngành fintech Việt Nam. Theo hành PDA Partners, quy mô thị trường dịch vụ tài chính số Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,8 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,8%/năm, nhanh nhất khu vực ASEAN.
Sở dĩ lĩnh vực này có thể đạt mức tăng trưởng cao như vậy còn từ yếu tố hiện Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đạt trên 70%, trong đó đại đa số chủ thuê bao đã hình thành thói quen không dùng tiền mặt. Thanh toán qua ví điện tử và mã QR đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến đối với người Việt Nam, nhất là khu vực thành thị. Việt Nam hiện đã vượt qua các quốc gia phát triển như Anh, Đức, Mỹ về tỷ lệ thâm nhập thanh toán POS di động. Theo Statista giá trị thanh toán số của Việt Nam sẽ đạt 24,12 tỷ USD, đứng thứ ba trong Đông Nam Á, vượt qua Singapore và Malaysia trong năm 2023.
Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay vẫn chưa đầy đủ cho hoạt động fintech phát triển. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu của BIDV, quy định cho hoạt động của fintech hiện tại mới tập trung chủ yếu vào phát triển fintech trong lĩnh vực ngân hàng; và hoạt động thanh toán. Hiện Việt Nam vẫn chưa có các quy định về quản lý, điều chỉnh nhiều hoạt động khác của các fintech như: tư vấn đầu tư, tự động chuyển tiền xuyên biên giới, huy động, cho vay vốn cộng đồng… Dù hành lang pháp lý chưa hoàn thiện nhưng fintech tại Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng nhanh chóng. Điều này cho thấy khoảng trống chính sách đang ngày càng lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính, nhất là khi số lượng người tham gia vào các fintech ngày càng gia tăng.
Để khắc phục nhược điểm này, năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/2021/NĐ-CP yêu cầu xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Những hoạt động các fintech được tham gia thử nghiệm, theo Dự thảo nghị định này gồm: thanh toán, tín dụng; cho vay ngang hàng; hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (API); các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo; và các dịch vụ hỗ trợ ngân hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của cơ chế sandbox này là phạm vi tiếp cận còn tương đối hẹp, chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng, mà chưa bao gồm lĩnh vực khác như chứng khoán, bảo hiểm, tài chính, bất động sản… Theo Nhóm nghiên cứu của BIDV, đối với đối chiếu với các cách tiếp cận pháp lý chung cho fintech trên thế giới, cơ chế này hiện đang chọn phương án “chờ đợi và quan sát” sau đó là “cải cách pháp lý”. Cách tiếp cận này có thiên hướng từ dưới lên (bottom up). Tức là khi thị trường đạt đến ngưỡng sẽ có rủi ro; hoặc cần phải điều chỉnh thì cơ quan quản lý sẽ ban hành các quy định pháp lý để kiểm soát. Trong khi đó, việc triển khai mô hình chủ động từ trên xuống (Top down) qua việc ban hành “cơ chế hỗ trợ đổi mới” đang ở giai đoạn đầu, chưa hình thành Trung tâm hỗ trợ fintech; Nghị định về cơ chế thử nghiệm vẫn đang chờ được ban hành… Có thể thấy nếu chúng ta không nhanh chóng thiết lập “sân chơi” và luật chơi cho fintech sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường tài chính.