Sàn điện tử rối với yêu cầu cung cấp thông tin
Ứng dụng công dân số tích hợp thanh toán điện tử | |
Chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử |
Giai đoạn 2018-2021 số tiền thuế thu được từ các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam khoảng 5.588 tỷ đồng, tăng bình quân 130%/năm |
Lộ trình tuân thủ quá gấp gáp
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lộ trình mà Tổng cục Thuế đưa ra đối với việc thu thập thông tin người bán, cung cấp thông tin định kỳ và nộp thuế thay cho người bán, áp dụng cho các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam là quá gấp gáp, không thể chuẩn bị kịp.
Cụ thể, lộ trình mà Tổng cục Thuế đưa ra là từ ngày 26/9 - 10/10 các sàn hoàn thành việc lập trình, từ 11/10 - 21/10 là thời gian kiểm thử với sàn và hoàn thiện hệ thống. Sau đó sẽ chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2022.
Đại diện VECOM cho biết, thời gian kiểm thử với sàn chỉ gói gọn trong 3 ngày (từ 11/10 - 14/10) là hoàn toàn không khả thi. Bởi thực tế, đến hiện nay đã bước sang tuần cuối của tháng 10/2022, hầu như tất cả các sàn thương mại điện tử đều chưa thu xếp, bố trí được nguồn lực cho khâu đoạn kiểm thử. Để hoàn tất việc này, theo các sàn thương mại điện tử lớn là cần ít nhất thời gian 1 tháng. Chưa kể rằng bắt đầu từ tháng 11/2022 đến ít nhất là cuối tháng 1/2023 các sàn phải tập trung nguồn lực (bao gồm cả nhân lực, tài lực) phục vụ mùa kinh doanh cao điểm cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
“Vì thế, nếu bắt buộc phải hoàn thiện hệ thống thu thập dữ liệu người bán, cung cấp định kỳ cho cơ quan thuế và nộp thuế thay cho khách hàng thì các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, lợi nhuận, đồng thời chịu áp lực rất lớn về chi phí tuân thủ”, đại diện VECOM nhấn mạnh.
Bên cạnh việc kiến nghị Bộ Tài chính giãn lộ trình áp dụng các biện pháp thu thập, cung cấp thông tin khách hàng, VECOM cũng cho rằng ở thời điểm hiện nay, hoạt động của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam còn khá khó khăn. Thời gian qua, do phải cạnh tranh khốc liệt nên nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki và Sendo đều thua lỗ liên tục.
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong quý II/2022 cũng cho kết quả tương tự, khi 80% trong số 107 sàn thương mại điện tử được khảo sát cho rằng họ đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới. Vì thế, nếu phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo thêm gánh nặng, tăng đáng kể chi phí đầu tư công nghệ thông tin và nhân lực. Nhiều sàn thương mại điện tử sẽ phải thu hẹp hoạt động và gặp khó khăn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh trên các nền tảng số.
Cần làm rõ trách nhiệm các bên
Theo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, mặc dù đã sát đến ngày phải áp dụng các quy định cung cấp thông tin định kỳ và nộp thuế thay cho người bán theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, tuy nhiên nhiều vấn đề quan ngại vẫn chưa được Tổng cục Thuế giải đáp. Các vấn đề này liên quan đến giải pháp cung cấp thông tin đảm bảo an toàn bảo mật và trách nhiệm bảo mật thông tin cũng như cơ chế xử lý vi phạm đối với trường hợp lộ lọt thông tin, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM, ngoài việc xem xét lùi thời gian áp dụng các quy định về nộp thuế thương mại điện tử, khi áp dụng quy trình cung cấp thông tin định kỳ, thì ngành Thuế cũng cần cho phép các sàn thương mại điện tử chuyển những yêu cầu cung cấp thông tin phát sinh từ cơ quan thuế địa phương (nếu có) tới Tổng cục Thuế. Cơ chế này để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và tránh tạo quá nhiều gánh nặng cho sàn về việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế các cấp, trong khi vẫn phải cung cấp thông tin định kỳ cho Tổng cục Thuế.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay theo các quy định pháp luật hiện hành, các sàn thương mại điện tử không có đầy đủ hoặc không thể xác minh được một số thông tin của người bán mà Tổng cục Thuế yêu cầu phải cung cấp (chẳng hạn như thông tin về căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng…). Trong khi đó, khi đăng ký mã số thuế cá nhân hay mã số thuế tổ chức, cơ quan thuế đã thu thập rất đầy đủ các thông tin này.
Do đó, các sàn thương mại điện tử đề nghị Tổng cục Thuế có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan trong nghĩa vụ cung cấp thông tin. Theo đó, người bán cần phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin đúng và chính xác. Các sàn thương mại điện tử không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp thông tin không chính xác hay do hệ thống chặn nộp tờ khai vì các lý do định dạng dữ liệu hay thông tin còn thiếu... dẫn đến sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng đề nghị Tổng cục Thuế chuyển thời gian cung cấp thông tin định kỳ thành hàng năm, cùng thời hạn nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân (30/4 hàng năm). Vì việc này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động quyết toán thuế và xác định nghĩa vụ thuế của cá nhân, hộ kinh doanh, để giảm bớt gánh nặng tổng hợp thông tin cho cả cơ quan thuế và các sàn.
Đồng loạt kiểm tra nhiều sàn thương mại điện tử Theo Bộ Tài chính, trong tháng 9/2022, Bộ này đã xây dựng xong thành phần dữ liệu, phương thức kết nối giữa sàn thương mại điện tử và hệ thống của Tổng cục Thuế. Dự kiến tháng 11/2022, hoàn thành việc xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử, tiến hành triển khai thí điểm với 3 sàn thương mại điện tử và sẽ triển khai chính thức từ tháng 1/2023. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiến hành kiểm tra đối với 18 doanh nghiệp trong nước gồm 6 chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 9 doanh nghiệp trung gian thanh toán, 3 công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Qua kiểm tra, đã tập hợp được bộ cơ sở dữ liệu một số sàn giao dịch thương mại điện tử (Shopee, Tiki,...) để phục vụ công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, qua đó chia sẻ dữ liệu cho các Cục thuế trực tiếp rà soát, đối chiếu thông tin về doanh thu phát sinh trên sàn thương mại điện tử với doanh thu mà doanh nghiệp đã kê khai để có cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung theo quy định pháp luật. |